Qua đánh giá chung về kết quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh ta trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy, quy mô giáo dục và đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư và phát triển ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch, xây dựng khá tập trung và phân bố phù hợp, tương đối đều khắp các địa phương, cơ sở; đặc biệt các cơ sở trường học ở khu vực miền núi, vùng khó khăn được kiện cố hóa khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu và mở rông cơ hội học tập ngày càng cao của nhân dân.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tặng hoa thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)
Toàn tỉnh đã xây mới, tu sửa 58 trường phổ thông và trường bán trú dân nuôi; 1.588 phòng học và phòng chức năng... Tổng số học sinh, học viên, sinh viên liên tục tăng, nhât là học sinh THPT, học viên học nghề; tỷ lệ sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm đều tăng, năm 2006: 15,9%, năm 2007: 16,65%, năm 2008: 18,35%, năm 2009: 20,9%... Chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, dạy nghề có chuyển biến tích cực và đảm bảo thực chất hơn. Trong 5 năm toàn tỉnh đã đào tạo 40.646 lao đông, trong đó hệ trung cấp nghề 3.056 người, nghề ngắn hạn 37.590 lao động, có khoảng 60-70% lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, dạy nghề không ngừng được củng cố, phát triển và trưởng thành về nhiều mặt; trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn tiếp tục nâng lên, hiện cao hơn mức bình quân chung cả nước.
Nhiều cơ sở giáo dục, dạy nghề như Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Trường Trung cấp nghề, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), Trung tâm xúc tiến việc làm; Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp các huyện, thành phố đã tăng cường đào tạo, liên kết đào tạo, góp phần quan trọng cho việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sản xuất cho người lao động. Trung tâm Học tập cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn tuy mới thành lập nhưng cũng đã tích cực tham gia nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, nhất là lao đông nông thôn, miền núi.
Cùng trao đổi bài sau giờ học
Nhờ đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển dạy nghề đã có chuyển biến tích cực, tổng thể các tiềm năng lao động xã hội được chuẩn bị về nhiều mặt, tạo động lực cho việc nâng cao hiệu quả các hoạt động lao động sản xuất tại địa phương, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đội ngũ cán bộ, công chức khoa học kỹ thuật ngày càng đông đảo và được nâng cao về chất lượng, có mặt hầu hết trên các lĩnh vực hoạt động, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Đến cuối năm 2009, chỉ tính riêng trong khối hành chính sự nghiệp có 15 tiến sĩ; 105 thạc sĩ và số đạt trình độ đại học và cao đẳng: 4.589 người. Việc bố trí, sử dụng cán bộ có sự găn kết với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tốt vai trò của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong 5 năm đã đào tạo sau đại học: 113 đồng chí, đào tạo đại học chuyên ngành: 399 người; cao đẳng, trung cấp chuyên ngành: 413 người…
Học viên lớp đào tạo nghề điện-cơ khí,Trường Trung cấp Nghề Ninh Thuận trong giờ thực hành
Tuy nhiên trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế, thể hiện trên các mặt như: Trình độ dân trí và chỉ số phát triển nguồn nhân lực(HDI) trong tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung cả nước; sự chênh lệch về trình độ học vấn, trình độ nghề giữa thành thị và nông thôn, nhất là ở miền núi còn khá lớn. Hoạt động tư vấn, định hướng đào tạo nghề tại các địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề ở mức thấp; chất lượng đào tạo, dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực còn chưa cao.
Trong giai đoạn 2011-2015, để nâng cao chất lương nguồn nhân lực và phát triển dạy nghề, cần quán triệt các quan điểm và triển khai các giải pháp sau:
Trước tiên, cần xác định: việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh; trong đó nâng cao mặt bằng dân trí chính là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực có trình độ cao và phát triển dạy nghề là nhiệm vụ có tính chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà. Để triển khai và thực hiện quan điểm trên, cần tiếp tục phát triển mạng lưới đào tạo và dạy nghề phù hợp, nhằm xây dựng đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu về số lượng, nâng cao chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh chương trình hợp tác và tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Thành lập và đưa vào hoạt động Trường Trung cấp y tế, Phân hiệu các trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Điện lực, Đại học Thủy lợi. Đầu tư nâng cấp chuyển trường Cao đẳng Sư phạm thành Cao đẳng đa ngành; Trường Trung cấp Nghề lên Cao đẳng nghề. Chuẩn bị các điều kiện để thành lập Trường Đại học Ninh Thuận.
Ngoài ra, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ, giáo viên, cán bộ y tế, doanh nhân… nhất là những chuyên gia giỏi, đầu ngành trên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, động lực, có lợi thế so sánh của tỉnh là khâu then chốt, đột phá. Cần thực hiện có hiệu quả chủ trương chuẩn hóa, xã hội hóa sự nghiệp giáo dục và đào tạo, hoạt động dạy nghề, truyền nghề. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển dạy nghề đi đôi với tăng cường công tác quản lý nhà nước; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng và phân công lao động xã hội, hợp tác, xuất khẩu lao động là giải pháp quyết định cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bền vững.
Nhật Nguyên