TRƯỜNG TIỂU HỌC PHƯỚC KHÁNG (THUẬN BẮC):

Với chương trình dạy 2 buổi/ngày

Năm học vừa qua, huyện Thuận Bắc thực hiện Đề án 112 của Chính phủ về “Hỗ trợ cho con em học sinh hộ nghèo” ở các xã thuộc Chương trình 135. Với quy định mỗi em được cấp 140 ngàn đồng/tháng nhằm giúp học sinh nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập. Thời gian qua, mỗi trường đều có cách làm khác nhau, trong đó mô hình “ Bếp ăn bán trú” và tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ ngày của Trường Tiểu học Phước Kháng được đánh giá là hiệu quả nhất.

Phước Kháng là xã vùng cao của huyện Thuận Bắc, với 100% là đồng bào dân tộc Ra glai. Do điều kiện kinh tế của hầu hết bà con còn khó khăn nên khi được tiếp nhận kinh phí hỗ trợ của Đề án 112 của Chính phủ đã giúp con em địa phương có điều kiện để đến trường học tập.

Tuy nhiên, theo các tiêu chí của đề án thì trong số 267 em học sinh của Trường Tiểu học Phước Kháng chỉ 50% số em, có đủ điều kiện được hưởng kinh phí hỗ trợ. Đây là vấn đề hết sức khó khăn của nhà trường khi tiếp nhận và thực hiện chương trình của đề án. Thầy giáo Hồ Hữu Pha, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Kháng cho biết: Sự chênh lệch về mức sống giữa hộ nghèo và hộ trung bình ở địa phương rất gần nhau, nhận thức và cách nghĩ của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên nếu như trong một lớp học chỉ có 50% học sinh được thụ hưởng Đề án 112 thì số học sinh còn lại sẽ mặc cảm về sự quan tâm và sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, hoặc học sinh bỏ học giữa chừng. Trước thực trạng đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phước Kháng đã tham mưu với cấp ủy và chính quyền địa phương, tổ chức các buổi họp dân để thảo luận và đi đến thống nhất phương án “ chia sẻ quyền lợi ” cho các em bằng cách: thực hiện hỗ trợ về trang phục, cặp sách, dụng cụ học tập cho toàn thể học sinh trong các lớp. Số kinh phí còn lại được dùng cho việc bồi dưỡng thức ăn giữa buổi cho học sinh và trang bị phương tiện nghe- nhìn cho lớp học.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng giáo dục nhà trường thì chất lượng giáo dục vẫn chưa được cải thiện đáng kể, nhất là ở học sinh lớp 1 và lớp 2. Rút kinh nghiệm, đầu học kỳ II của năm học 2009-2010, Trường Tiểu học Phước Kháng đã thực hiện giải pháp tổ chức cho các em ở khối lớp 1 và lớp 2 học 2 buổi/ngày để củng cố kiến thức. Trường Tiểu học Phước Kháng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã dùng kinh phí của Đề án 112 để tổ chức mô hình “ Bếp ăn bán trú” cho học sinh của khối lớp 1 và lớp 2 được học 2 buổi/ngày, tại tất cả các điểm trường để vừa chia sẻ bớt khó khăn về kinh tế với gia đình học sinh , đồng thời có điều kiện để bổ sung kiến thức cho học sinh. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn hẹp (khoảng 3.000đ/một bữa ăn cho mỗi học sinh) nên việc tổ chức bếp ăn bán trú cho các em ban đầu gặp nhiều khó khăn. Nhờ có sự đồng thuận cao nên phụ huynh học sinh đã tình nguyện đóng góp công sức để xây dựng bếp nấu ăn và góp thêm rau, quả của gia đình để tăng thêm nguồn thực phẩm cho cho bữa ăn; hỗ trợ ngày công đi chợ, nấu ăn cho các các em. Như vậy, sau buổi học chính, các em học sinh lớp 1 và lớp 2 của Trường Tiểu học Phước Kháng được ăn trưa và nghỉ trưa tại lớp học.

Vì không có kinh phí để trả giờ dạy vượt nên giáo viên trong trường đã cùng chia sẽ trách nhiệm bằng cách mỗi người đã tự nguyện dạy thêm 2 buổi/tuần không ăn lương và đảm nhiệm luôn công tác quản lý học sinh trong giờ nghỉ trưa. Qua thời gian thực hiện mô hình “ Bếp ăn bán trú ” và dạy học 2 buổi/ ngày cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 ở trường Tiểu học Phước Kháng đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh việc được bồi dưỡng, ôn luyện lại kiến thức cũ, học sinh còn có thời gian để sinh hoạt tập thể tạo điều kiện cho các em thêm gần gũi, gắn bó với bạn bè, trường lớp. Nhờ đó, số học sinh nghỉ học cách nhật của trường đã giảm đáng kể, sĩ số học sinh đến lớp luôn đảm bảo; chất lượng học tập của học sinh được cải thiện, tỷ lệ học sinh giỏi tăng 2,3%, học sinh khá tăng 2,2%, học sinh yếu giảm 11,3% so với năm học trước.

Trong thời gian tới Trường Tiểu học Phước Kháng mở rộng mô hình “ Bếp ăn bán trú ” và chương trình dạy học 2 buổi/ngày cho cả học sinh lớp 3. Tuy nhiên, với giá cả các mặt hàng hóa đang biến động như hiện nay thì định suất 3.000đồng/ khẩu phần ăn cho học sinh sẽ không đảm bảo dinh dưỡng. Trường Tiểu học Phước Kháng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội để tăng thêm chất lượng bữa ăn cho các em học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc Ra glai xã Phước Kháng.