Trường Tiểu học Phước Nhơn được đánh giá là một trong 3 trường thực hiện tốt việc mua BHYT HS. Thế nhưng, theo cô giáo Đạo Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2010-2011, toàn trường chỉ có 330 HS (chiếm 65%) mua BHYT.Việc HS không mua BHYT xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn.
Đến thăm Trường THCS Hà Huy Tập, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước những khó khăn của cô và trò nơi đây. Trường có 512 HS thì có đến 385 em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Đặc biệt, khi hỏi đến việc mua BHYT của HS, cô Nguyễn Thị Bảy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hằng năm, tỷ lệ mua BHYT của HS đều rất thấp, năm học 2010 toàn trường chỉ có 60 em là con em hộ nghèo được cấp BHYT, còn lại không có em nào mua. “HS ở đây còn nghèo lắm. Thầy cô đến nhà HS gặp các em làm việc vất vả… thương học trò nhưng sự giúp đỡ cũng còn hạn chế bởi chính các thầy cô chúng tôi cũng khó khăn” , cô Bảy chia sẻ.
Trường THCS Ngô Sỹ Liên, xã Tân Hải- là một trong những xã nghèo nhất của huyện Ninh Hải cho nên điều kiện kinh tế gia đình của HS ở đây cũng hết sức khó khăn. Chính vì thế, dẫu đã có quy định bắt buộc thì việc mua BHYT với phần đông HS ở đây vẫn không thể thực hiện được. Năm học này, Trường THCS Ngô Sỹ Liên có 563 HS nhưng chỉ có 184 em mua BHYT.
Bên cạnh nguyên nhân khó khăn về kinh tế, thì nhận thức của phụ huynh về việc mua BHYT cũng còn hạn chế. Chị Kiều Thị Khuê, giáo viên Trường Tiểu học Tuấn Tú (An Hải, Ninh Phước) cho biết: Chưa có năm nào 100% HS Trường Tiểu học Tuấn Tú mua BHYT. Năm học 2010-2011 là năm bắt đầu thực hiện quy định bắt buộc mua BHYT đối với HS nhưng cả trường cũng chỉ có 40% HS được phụ huynh mua bảo hiểm. Cô Khuê cho biết, nguyên nhân chủ yếu là nhiều phụ huynh chưa thấy được tầm quan trọng của thẻ BHYT cho con em mình. Không ít gia đình vẫn nghĩ, khoản tiền mua BHYT sẽ phí phạm nếu như cả năm con em họ không đau ốm gì. Chị Kiều T. ở thôn Tuấn Tú có 3 con đang độ tuổi đi học nhưng cả 3 đều không được mua BHYT. Khi được hỏi, chị T. trả lời rất vô tư: Bởi các con tôi cả năm “cùi cụi” không đau ốm gì nên mua bảo hiểm thấy tốn tiền. Thỉnh thoảng nếu có đau đầu, cảm sốt thì ra tiệm mua thuốc uống cho nhanh.
Theo quy định bảo hiểm mới, trong năm học 2010 - 2011, mức đóng BHYT đối với HS.SV là 282.800 đồng/12 tháng. Trong đó, HS.SV chỉ phải đóng 184.000 đồng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 78.800 đồng. Phạm vi BHYT bao gồm: Chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, tai nạn giao thông. Tham gia BHYT, HS.SV được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh, khi tổng chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu hiện hành, hoặc khám chữa bệnh tại tuyến phường, xã. Trong trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến đăng ký ban đầu và đến những bệnh viện công lập thì được hưởng mức thanh toán 70% chi phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện hạng 3 và thanh toán 50% khi khám chữa bệnh tại bệnh viện hạng 2 và 30% tại bệnh viện hạng 1.
Nếu như với những gia đình bình thường, số tiền 184.000 đồng không phải là quá lớn. Quan trọng là phụ huynh có được những nhận thức đúng đắn trong việc tham gia BHYT học sinh. Có những gia đình, càng khó khăn họ càng cố gắng mua BHYT cho con em mình. Bởi ngoài những quyền lợi về khám chữa bệnh khi không may các cháu đau ốm, tai nạn rủi ro thì nhiều phụ huynh vẫn coi thẻ BHYT như một "lá bùa hộ mệnh". Nhận thức được tầm quan trọng của việc mua BHYT cho HS, có phụ huynh không chỉ mua BHYT cho con mình mà còn hỗ trợ mua BHYT cho những HS có hoàn cảnh khó khăn. Hội phụ huynh của Trường Tiểu học Tấn Tài 3,
Tp. Phan Rang – Tháp Chàm là một ví dụ điển hình. Năm học 2009-2010, Quỹ tấm lòng vàng của Hội cha mẹ HS Trường Tiểu học Tấn Tài đã ủng hộ mua 14 thẻ BHYT và 16 thẻ Bảo hiểm thân thể cho các em HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây thực sự là một mô hình, một việc làm có ý nghĩa cần được nhân rộng. Và bên cạnh đó, để tất cả HS được tham gia BHYT, cũng rất cần những hoạt động tuyên truyền, vận động để phụ huynh có được những nhận thức đúng đắn trong việc mua BHYT cho con em mình.
Bích Thủy