Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm: Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề rất dễ xảy ra trong những ngày tết do ý thức của mỗi người. Do đó, cần duy trì thói quen để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín, thức ăn phải được nấu chín trước khi ăn, chỉ dùng nước sạch và thực phẩm an toàn... Những việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng rất quan trọng để bạn cảnh giác với tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Cẩn thận với cúm gia cầm: Tết cổ truyền không thể thiếu thịt gà, đây cũng là yếu tố nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm. Cần tránh tiếp xúc với gia cầm bệnh và chết, đeo khẩu trang, găng tay trong khi giết mổ; phải nấu chín thịt gia cầm, tuyệt đối không nên ăn thịt còn màu đỏ, không ăn trứng ốp-la chưa chín, không ăn tiết canh vịt...
Hạn chế dùng chất béo: Trong những ngày tết, các món ăn như thịt kho trứng, bánh chưng, bánh tét... là những món khoái khẩu và cũng là những món làm cho chúng ta tăng cân, tăng cholesterol trong máu, mầm mống của bệnh tim mạch. Vì vậy, để tránh những nguy cơ này, chúng ta cần hạn chế ăn những món ăn chứa nhiều dầu mỡ, chia bữa ăn chính ra thành nhiều bữa nhỏ và cần ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây. Đồng thời, ăn kèm những thức ăn trên với dưa cải chua... để tăng men vi sinh, giúp bộ máy tiêu hóa hoạt động tốt.Không nên ăn những thức ăn đã để quá 6 giờ, tốt nhất là ăn ngay sau khi chế biến.
Uống nhiều nước lọc: Vào những ngày tết, chúng ta cần phải uống thật nhiều nước vì trong những bữa ăn đã uống nước ngọt hoặc bia, trà, cà phê nhiều hơn nước lọc. Mà những thức uống đó thực chất chỉ giúp giải khát chứ không thể bổ sung nước cho cơ thể tốt bằng nước lọc.
Duy trì chế độ tập luyện thể thao: Chỉ cần 15 phút đi bộ mỗi ngày trong suốt những ngày nghỉ hoặc với những động tác vận động nhẹ toàn thân sẽ giúp cho cơ thể tiêu hao lượng calo dư thừa. Ngoài việc phải duy trì chế độ tập luyện này, chúng ta cần bố trí thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không nên thức quá khuya, nhất là những người cao huyết áp, bệnh tim mạch.
Thực hiện tốt an toàn giao thông: Uống rượu, bia sẽ làm gia tăng sự kích thích, nhưng khi uống quá nhiều sẽ gây ức chế thần kinh, khiến người uống không kiểm soát được lời nói, hành vi, gây nguy hại cho sức khỏe và không làm chủ được bản thân, dẫn đến không làm chủ được tay lái khi điều khiển các loại phương tiện giao thông. Để thực hiện tốt an toàn giao thông, không lái xe sau khi uống rượu, bia dù chỉ một lượng nhỏ.
Bảo Huân (tổng hợp)