Vì sao phải đưa hiến máu tình nguyện vào Luật?

Sáng 9/1, Bộ Y tế công bố Dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc. Trong dự thảo có đề xuất phương án hiến máu tình nguyện, không có đề xuất bắt buộc người dân hiến máu 1 năm/lần. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động của Dự thảo, Bộ Y tế có đưa ra 2 phương án đề xuất là hiến máu tình nguyện và bắt buộc hiến máu 1 năm/lần, trừ trường hợp không thể hiến máu.

Đại diện Bộ Y tế lý giải, Bộ đưa ra 2 phương án này để chứng minh và khẳng định việc lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện là phương án tối ưu, để đưa vào Dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu lựa chọn phương án hiến máu tình nguyện thì không cần thiết phải xây dựng Luật bởi hiện nay các hoạt động hiến máu vẫn mang tính chất tình nguyện và được đông đảo người dân ủng hộ. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) có cuộc trao đổi với phóng viên.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang - Ảnh: VGP/Thúy Hà 

Thưa ông, căn cứ vào đâu, Bộ Y tế đưa ra phương án bắt buộc hiến máu và tự nguyện hiến máu vào báo cáo đánh giá tác động chính sách đối với Dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc? 

Ông Nguyễn Huy Quang: Hiện nay, việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các cá nhân. Tuy nhiên, để bảo đảm đủ máu cho công tác điều trị và bảo đảm an toàn truyền máu thì cần có chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này. Dự thảo Luật về Máu và tế bào gốc đang được xây dựng và sẽ trình Quốc hội xem xét và phê duyệt nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu để phục vụ hoạt động điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời hiến máu tình nguyện cần phải được luật hóa để có cơ chế chính sách khuyến khích động viên, khen thưởng và có chế độ cho người hiến máu tình nguyện nhằm tái tạo sức lao động. 

Cũng vì thế, trong báo cáo đánh giá tác động xây dựng Luật, khi tiến hành khảo sát đánh giá, có 2 giải pháp để xin ý kiến. Giải pháp 1: Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Giải pháp 2: Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. 

Việc đưa ra 2 phương án này chỉ là một quy trình trong tư duy làm Luật, phải đưa ra các phương án để đối chứng, bao quát một cách toàn diện để tìm ra được giải pháp tối ưu nhất. Và Bộ đã nhất quán với phương án hiến máu tình nguyện, bác quan điểm hiến máu bắt buộc. 

Chính việc đưa ra 2 phương án trên thiếu thông tin, khiến dư luận hiểu sai về việc hiến máu, theo ông, Bộ Y tế có thiếu sót gì không trong sự việc này? 

Ông Nguyễn Huy Quang: Qua sự việc này, là cơ quan soạn thảo Luật, chúng tôi xin rút kinh nghiệm về việc xây dựng các phương án để tránh gây hiểu nhầm. Nếu những người làm Luật giải thích rõ phương án hiến máu bắt buộc chỉ là giả định và Bộ Y tế chọn phương án hiến máu tình nguyện thì chắc chắn sẽ giảm được sự hiểu nhầm của dư luận về sự việc này.

Có ý kiến cho rằng, đã là “tình nguyện” thì không cần phải Luật hóa, ông có nhận định gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Chúng tôi muốn Luật khẳng định chính sách về hiến máu, bảo đảm quyền lợi cho người hiến máu. Ngoài những quyền lợi người hiến máu được hưởng như hiện nay (được tiếp cận với nguồn máu khi có nhu cầu, được tư vấn về các phát hiện bất thường…), chúng tôi đề xuất người hiến máu sẽ được nghỉ 1 buổi làm việc để đi hiến máu và 1 buổi làm việc ngay sau khi hiến máu mà không phải trừ lương hoặc tính vào ngày nghỉ phép, nghỉ lễ theo quy định của pháp luật về lao động và được hưởng chế độ bồi dưỡng sau khi hiến máu hoặc tế bào gốc theo quy định… 

Nếu Luật ghi nhận hiến máu tình nguyện, người dân sẽ tích cực tham gia, hàng nghìn bệnh nhân cần máu sẽ được cứu sống. Theo thống kê của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, năm 2016 có khoảng 98% máu hiến tặng là hoàn toàn tình nguyện. 

Như ông vừa nói, có tới 98% người hiến máu hiện nay là tình nguyện, vậy tại sao bệnh nhân nhận máu từ những người hiến tình nguyện vẫn phải nộp tiền? 

Ông Nguyễn Huy Quang: Từ máu của người cho đến khi có máu vào ven người nhận phải trải qua rất nhiều công đoạn, như sàng lọc, phân tách, bảo quản, lưu trữ... Các công đoạn này đều phải mất kinh phí. Toàn bộ quy trình lấy máu cho đến khi người bệnh được nhận tại thời điểm này không dưới 2 triệu/1 đơn vị máu, chi phí do Bộ Y tế, Trung tâm Truyền máu và Bộ Tài chính phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh nhân thường trả phí dao động từ 450-810.000 đồng/một đơn vị máu, tức là người bệnh đồng chi trả với bệnh viện, hoàn toàn không có yếu tố lợi nhuận trong các hoạt động hiến máu tình nguyện. Còn khoảng 1,2 triệu đồng/ đơn vị máu do Nhà nước bù lỗ. 

Xin cảm ơn ông!

Năm 2016, toàn quốc vận động và tiếp nhận 1.393 triệu đơn vị máu, đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh tuyến Trung ương và tỉnh, chỉ có số ít bệnh viện tuyến huyện còn thiếu khoảng 20-30% nhu cầu người bệnh cần truyền máu. Theo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, số bệnh nhân này có thể chuyển lên tuyến trên, hoặc truyền các chế phẩm an toàn khác (tương đương máu), hoặc ngân hàng máu sống (ở huyện đảo…). Hiện nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới quy định hiến máu bắt buộc.
Nguồn www.chinhphu.vn