CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đừng để “ma men” cám dỗ!

(NTO) Những năm qua, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày càng tăng lên. Cùng với ăn, mặc, ở thì nhu cầu uống, đặc biệt là các đồ uống có cồn ngày càng nhiều hơn, nếu không muốn nói là rượu, bia đã bị “lạm dụng” một cách đến mức thái quá, dẫn đến những hệ lụy khó lường cho bản thân, gia đình và xã hội.

Không ai phủ nhận, uống rượu, bia từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày. Chỉ có điều, nếu như ngày xưa chỉ vào các dịp lễ, hội thì nhiều người mới có cơ hội ngồi với nhau để nhâm nhi vài cốc rượu, vừa uống vừa thưởng thức, vừa trò chuyện, chúc tụng nhau những điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống. Đây cũng là dịp để mọi người thông cảm, gần gũi nhau hơn…Còn nay, trong cuộc sống hiện đại, nét sinh hoạt này đang bị biến tướng. Từ thành phố đến nông thôn, hàng ngày không khó để bắt gặp hình ảnh người uống rượu, bia, kể cả nam và nữ với những câu hò hét “zô…zô” trở nên quá quen tai. Không ít người đã uống thì phải cho tới “bến”, đồng thời còn chuốc bia, rượu, thậm chí còn bắt ép bạn nhậu để…cùng say, mặc cho những nguy hại đến sức khỏe của chính bản thân họ. Điều cũng đáng lo ngại là mức độ sử dụng rượu, bia trong giới trẻ đang ngày một gia tăng. Theo kết quả nghiên cứu việc sử dụng rượu bia được Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện và công bố mới đây cho thấy, có tới 77% nam giới và 11% nữ giới hiện tại có uống rượu, bia. Tệ hơn, tình trạng uống rượu bia trong nhóm tuổi từ 25-64 đối với nam giới đã tăng từ 69% năm 2010 lên tới 80,3% vào năm 2016, còn nữ giới tăng từ 5,6% lên 11,2%.

Tác hại của việc lạm dụng cồn trong rượu, bia đến sức khỏe thì đã quá rõ ràng. Theo các chuyên gia y tế, sử dụng tràn lan rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 loại bệnh, đồng thời cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ra 200 loại bệnh tật khác nhau. Hàng năm, cả nước phải bỏ ra khoảng 60.000 tỷ đồng để chi phí trực tiếp cho rượu bia. Đáng lo ngại hơn, ngoài những tác hại về sức khỏe do rượu bia gây ra thì thứ uống có cồn này cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, 70% số vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc lái xe có sử dụng rượu, bia. Nguy hiểm hơn lạm dụng rượu, bia còn là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 60% số vụ bạo lực gia đình và gây mất trật tự an ninh xã hội…

Như thành quy luật, cứ vào dịp cuối năm hoặc trong những ngày Tết, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu, tai nạn giao thông lại tăng cao. Nguyên nhân được xác định là phần lớn do “ma men” gây ra. Mặc dù Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu bia dịp tết, gây ra tai nạn thương tâm, nhưng những ngày Tết đến Xuân về, nhiều người vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc nhậu tới bến. Do tâm lý cả nể, ham vui khiến không ít người hưởng ứng và khi tỉnh dậy thấy mình ... đang trong bệnh viện, mới cảm nhận được hậu quả ghê gớm do bia, rượu gây ra.

Đã có rất nhiều biện pháp được đề ra để hạn chế tình trạng rượu, bia như cấm công chức, viên chức… uống rượu bia trong giờ làm việc, xử phạt nặng tay với những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông có hơi men... nhưng có vẻ như tai nạn giao thông do rượu bia vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm. Có người đã “bức xúc” cho rằng, có lẽ “dân nhậu” chẳng khác nào “điếc không sợ súng”, nghĩ rằng chuyện tai nạn kia là thuộc về những người “xui rủi”, “sống chết có số”!. Chính những suy nghĩ này cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra hàng ngày và khó lòng ngăn chặn.

Thiết nghĩ, vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi”, nhưng dù có nói thêm nữa cũng sẽ không thừa. Để “giải tỏa” được những vấn nạn về rượu, bia thì trước mắt là cần ý thức của mỗi người. Bản thân mỗi người phải biết tôn trọng bản thân mình, gia đình thì mới mong điều chỉnh việc sử dụng bia, rượu một cách có chừng mực. Tốt nhất đừng để “ma men” cám dỗ…