Người già cần gì?

(NTO) Việt Nam quy định người từ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi. Số lượng người cao tuổi tại Việt Nam không ngừng tăng lên. Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê (2010) thì tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ở Việt Nam sẽ đạt đến con số 10% vào năm 2017. Dự tính đến năm 2020, tỷ lệ này sẽ lên khoảng 18%. Một nghiên cứu mới đây tại Viện Lão khoa Việt Nam cho thấy tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm kết hợp với lo âu ở các bệnh nhân cao tuổi nằm viện là rất cao, lên tới 40%. Cùng với các bệnh mãn tính, tâm lý người cao tuổi sẽ có nhiều bất ổn và rối loạn diễn ra trong giai đoạn này. Hình thức rối loạn tâm lý thường gặp nhất là lo âu, trầm cảm…

Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam cho biết nhân cuộc hội thảo về các cơ hội và thách thức do già hóa dân số ở VN ngày 28-10- 2015. Gần 70% người cao tuổi tại Việt Nam sống ở nông thôn, làm nông nghiệp và đời sống khó khăn, thu nhập không ổn định. 73% không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội, 23% đang sống trong hộ nghèo, 60% người cao tuổi cho rằng thu nhập của họ không đủ cho nhu cầu cuộc sống và chỉ 2% cho biết là họ dư dả. Hiện tỉ lệ người già có bảo hiểm y tế ở VN chưa đạt 61%, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ dân số có bảo hiểm y tế nói chung (73%).

Việc cung phụng nhu cầu vật chất với người già không còn làm ra kinh tế là điều cần thiết và lúc này, đa số người trẻ trung chúng ta đều nghĩ thế. Nhưng thực tế, nếu may mắn được cung cấp đủ vật chất, thì nhu cầu sống cũng mới chỉ đáp ứng có một phần, còn thiếu rất nhiều, đó là nhu cầu tình cảm, sự chăm sóc, thăm hỏi của con cháu, tuy là yếu tố vô hình nhưng đây mới thực là nhu cầu tối cần thiết cho các cụ ở tuổi già, việc tặng quà cáp, thuốc bổ… nếu có thêm thì càng làm các cụ thêm vui vì hiểu đó là sự quan tâm của con cháu. Nỗi lo thường xuyên của các cụ là sự cô đơn, hiu quạnh, có thể dẫn đến bệnh trầm cảm mà con cháu ít khi phát hiện sớm vì không biết và cũng ít quan tâm, tuy chưa có thống kê nhưng vấn đề này ở các nước phát triển đã thành vấn đề xã hội. Trong khi đó một số người trẻ có thể nghĩ đơn giản là nếu các cụ không thấy con cháu đến chơi thì các cụ hãy tìm người đồng lứa láng giềng giao lưu cũng tốt, thêm nữa còn có các hội, đoàn thể địa phương thăm hỏi, chăm sóc cho thì cũng tạm được rồi, lâu lâu “a lô” thăm hỏi là được chứ gì khó khăn nhau. Nhưng thực tế không phải vậy, nhu cầu tình cảm, sự chăm sóc, quan tâm của con cháu đối với các cụ là điều không ai thay thế được. Nếu có thể, con cháu hãy dành chút thời gian cho các cụ.

Truyền thống đạo lý gia đình, gia tộc ở đâu cũng đều như vậy và đời nào cũng thế. Người khác giúp mình một việc nhỏ mình còn phải nhớ ơn, huống chi công sinh thành dưỡng dục. Vì sinh, lão, bệnh, tử là luật tự nhiên, rồi ai cũng trải qua, rồi nhân quả đến kỳ, con cháu mình cũng sẽ bắt chước mình làm như mình “đã làm” cho ông bà, cha mẹ mình trước đó.