Nhìn lại 30 năm đổi mới và hội nhập

Năm 2016 đánh dấu 30 năm đổi mới và hội nhập của đất nước cũng là năm có nhiều chuyển động mạnh mẽ với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hành động.

 
Ảnh minh họa

Những con số biết nói

Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Sự kiện này cũng kết thúc giai đoạn 10 năm sau khi đất nước thống nhất với nhiều thử nghiệm về cơ chế, chính sách kinh tế và những cuộc cải cách không thành công, vượt qua hai cuộc chiến tranh biên giới tuy thời gian không dài nhưng gây tổn thất về người và của không hề nhỏ, làm nổi lên vấn đề lợi ích dân tộc và việc bảo đảm an ninh đất nước ở một khu vực đầy nhạy cảm trong thế giới đang biến động khó lường trước.

Tuy vậy, từ 1987 đến 1990, cuộc khủng khoảng kinh tế- xã hội vẫn diễn biến đến mức trầm trọng, “cả nước làm không đủ ăn”, lạm phát phi mã, mỗi năm phải nhập khẩu khoảng hai triệu tấn lương thực, toàn bộ xăng dầu, phần lớn sắt thép, phân bón và nguyên liệu.

Từ 1991 đến nay, mặc dù nước ta phải đổi mặt với hai cuộc khủng hoảng khu vực và thế giới, và hiện vẫn còn nhiều vấn đề đã được phát hiện cần giải quyết nhưng đã tăng trưởng với tốc độ cao và thu được những thành tựu quan trọng.

Có thể khẳng định điều này qua một vài số liệu kinh tế tổng hợp. Đó là GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD thuộc nhóm thấp nhất, năm 2011 là 1.260 USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) của thế giới, năm 2016 là 2.050 USD, bằng 10,9 lần năm 1991.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1991- 2016 trung bình gần 7%/năm, có 3 năm trên 7%, 7 năm trên 8% và 2 năm trên 9%; có hai giai đoạn 6 năm liên tiếp 1992- 1997 và 2002- 2007 đạt được tốc độ tăng trưởng trên 7%.

Kim ngạch ngoại thương năm 1991 là 5.156,4 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 2.087,1 triệu USD, các con số tương ứng năm 2000 là 30.119 triệu USD và 14.482,7 triệu USD, năm 2016 là 333 tỷ USD và 167,83 tỷ USD, bằng 60,38 lần và 80,41 lần năm 1991.

Từ 1991 đến 2016, nước ta đã tiếp nhận được nguồn vốn quốc tế khá lớn, trong đó vốn đầu tư nước ngoài thực hiện khoảng 165 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư xã hội.

Những con số thống kê đã nói rất rõ thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, làm cho tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên gấp nhiều lần. Chúng ta đã có trên 650 nghìn doanh nghiệp trong nước, hơn 20 nghìn doanh nghiệp FDI, đã xuất hiện những doanh nghiệp được xếp hạng trong khu vực. Một đội ngũ lao động được đào tạo và rèn luyện trong môi trường cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Những kinh nghiệm tích lũy được trong ba thập niên chuyển hướng theo kinh tế thị trường đã bảo đảm cho chúng ta có thể đưa đất nước tiến lên những nấc thang cao hơn.

Ảnh minh họa

Trăn trở và kỳ vọng

Khẳng định thành tựu kinh tế- xã hội rất đáng khích lệ của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều người có tâm huyết vẩn băn khoăn khi nhìn sang những nước, vùng lãnh thổ đã làm nên “sự thần kỳ Đông Á”.

Cuốn sách của Angus Maddison: “Kinh tế thế giới- Một thiên niên kỷ phát triển” đã cung cấp những tư liệu về kinh tế của các nước trong thế kỷ XX. Con số thống kê của 23 năm đầu (1950-1973) công nghiệp hóa của một số nền kinh tế Đông Á có thể so sánh với tình hình phát triển kinh tế Việt Nam từ 1991 đến 2016 để gợi ra một số vấn đề đáng suy ngẫm.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong thời kỳ 1950-1973 của Nhật Bản là 9,29%, của Hồng Công là 8,13%, của Đài Loan là 9,81%, của Hàn Quốc là 8,13% và của Singapore là 7,93%.

GDP bình quân đầu người của Nhật Bản năm 1950 là 1.926 USD (quy đổi theo tỷ giá hối đoái sức mua tương đương - PPP), năm 1973 là 11.439 USD. Các con số tương ứng của Hồng Công là 2.218 và 7.104, của Đài Loan là 936 và 4.117, của Hàn Quốc là 770 và 2.841 và của Singapore là 938 và 4.117.

Cũng như Việt Nam, các nền kinh tế này phát triển trong điều kiện không mấy thuận lợi khi bắt đầu vào vạch xuất phát. Chưa tính đến hiệu quả kinh tế-xã hội của tăng trưởng được thế hiện bằng hệ số sử dụng vốn đầu tư-ICOR, giá trị gia tăng, năng suất lao động tổng hợp mà một số công trình nghiên cứu đã coi là nhược điểm lớn của Việt Nam, chúng tôi chỉ nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng 7%/năm của nước ta trong 26 năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của nhiều nước trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa.

Trên thực tế trong 26 năm, nước ta đã có 9 năm đạt được mức tăng trưởng trên 8%, cao nhất là 9,45%; từ đó có thể khẳng định tiềm năng để tăng trưởng cao hơn mức trung bình 7% là khá lớn, vấn đề là làm thế nào để khai thác tối đa tiềm năng đó.

Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi muốn lưu ý việc nước ta đã lãng phí khá nhiều thời gian để hoàn thiện thể chế và điều hành kinh tế vĩ mô khi nhiều vấn đề quan trọng đã được đặt ra nhưng lại giải quyết chậm. Có thể kể ra vài ví dụ điển hình.

Mất 10 năm sau khi đất nước thống nhất mới đoạn tuyệt được cơ chế kinh tế dẫn đến tình trạng “cả nước làm không đủ ăn”. Khi đã lựa chọn phát triển kinh tế thị trường năm 1986 thì 14 năm sau đó mới chuyển được từ tư duy người dân và doanh nghiệp được hành nghề “khi nhà nước cho phép” sang “ khi luật pháp không cấm” thể hiện tại Luật Doanh nghiệp năm 2000, từ đó đã có trên 600 nghìn doanh nghiệp tư nhân ra đời.

Chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu từ 1995 đến nay nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Khoa học và giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu nhưng nhiều nhược điểm cố hữu vẫn kéo dài. Cải cách nền hành chính quốc gia đã được bắt đầu từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng vẫn cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới, Việt Nam cần tận dụng lợi thế về thông tin của nước công nghiệp hóa chậm hơn, đẩy nhanh hơn đổi mới tư duy để tiếp cận với lý thuyết phát triển hiện đại, trong đó “tri thức cũng mang đặc điểm kinh tế đặc thù giữ vai trò là điều kiện tiên quyết đối với hoạt động đổi mới”; “công nghệ nước ngoài và hoạt động R&D trong nước là các nhân tố hỗ trợ lẫn nhau trong chiến lược phát triển quốc gia” và “những ý tưởng mới là nguồn lực quan trọng tạo động lực cho tiến bộ kinh tế, bởi xét theo tính phi cạnh tranh của nó thì ý tưởng là nguồn lực quan trọng nhất không bị suy kiệt” (xem: Indermit Gill và Homi Kharas: Đông Á phục hưng - Ý tưởng phát triển kinh tế, Nxb Thông tin, 2007).

Năm 2016 được mở đầu bằng Đại hội XII của Đảng, tiếp đó là bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, thành lập Chính phủ mới và các cơ quan hành chính địa phương. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là cải cách bộ máy nhà nước và thay đổi tư duy và hành động của công chức nhà nước - đang là trở lực chính trên con đường xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Đúng 30 năm sau ngày khởi đầu công cuộc đổi mới, những ý tưởng và hành động về Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ được thể hiện, triển khai nhất quán trong 9 tháng vừa qua đã tạo chuyển động theo hướng tích cực, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. Có cơ sở để tin rằng, chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ và giảm thiểu thời gian thực hiện từng chủ trương, giải pháp để đạt được những mục tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra, xích lại gần và tiến tới đuổi kịp trình độ phát triển của những nước tiên tiến trong khu vực.

Nguồn www.chinhphu.vn