Tại Phiên họp này, Chính phủ cho ý kiến về 3 dự án luật, 2 đề nghị xây dựng luật, bao gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024, sáng 14/9/2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể như sau:
*Về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và đánh giá nội dung dự thảo Luật cơ bản đã bám sát 5 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 126/NQ-CP phiên họp của Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2024.
Về nội dung chính của dự án Luật, nhìn chung, đã nhận được sự đồng thuận của đa số Bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng quá trình thực hiện, phát triển của pháp luật về đầu tư công trước đây cũng như thực tiễn hiện nay để bảo đảm các quy định được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế.
Các quy định về phân cấp, phân quyền được đề xuất sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm giảm thời gian, quy trình thực hiện các hoạt động đầu tư; đặc biệt là các quy định tương ứng về phân bổ nguồn lực (tài chính, con người) để các cơ quan được phân cấp, phân quyền có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan ở các nội dung của hoạt động đầu tư công; huy động một cách tập trung, tránh dàn trải các nguồn lực trong nước cũng như nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; nâng cao hiệu quả, năng lực triển khai, hoàn thành dự án.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo rà soát, xây dựng dự án Luật này.
*Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần khơi thông mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. Nội dung dự thảo Luật cơ bản bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ về việc tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của của 04 Luật, liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đấu thầu.
Bên cạnh các yêu cầu chung về xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật, Đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật này với các yêu cầu cụ thể sau:
Rà soát kỹ các nội dung sửa đổi, bổ sung, bảo đảm quy định thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để không phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong quá trình tổ chức thi hành Luật. Rà soát các quy định của Luật Đầu tư để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật về giao khu vực biển nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư trên biển; làm rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư sử dụng khu vực biển có phạm vi từ 06 hải lý đến hết các vùng biển Việt Nam.
Về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư: làm rõ cơ sở thực tiễn đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp; xác định cụ thể điều kiện, tiêu chí điều chỉnh quy hoạch; sự cần thiết của việc quy định thủ tục thẩm định của cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm chặt chẽ trong quá trình thực hiện.
Về quy định đấu thầu trước: Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của việc quy định các gói thầu có thể thực hiện đấu thầu trước và các thủ tục được thực hiện trước khi dự án được phê duyệt; đánh giá rủi ro đối với nhà thầu trong trường hợp dự án không được phê duyệt.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 01 kỳ họp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo rà soát, xây dựng dự án Luật này.
*Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tải sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Chính phủ cơ bản thống nhất về nội dung dự án Luật này. Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến Thành viên Chính phủ, các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung dự án Luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
Tiếp tục rà soát, đánh giá để bảo đảm xử lý triệt để những khó khăn, vướng mắc cần xử lý cấp thiết; lựa chọn các vấn đề cấp bách chưa có cơ sở pháp lý thực hiện để có quy định phù hợp; bảo đảm đồng bộ với các luật khác có liên quan được sửa đổi, bổ sung lần này như Luật Đầu tư công sửa đổi... tránh chồng chéo, mâu thuẫn, không tạo khoảng trống pháp lý khi tổ chức thi hành Luật, tạo môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, rõ ràng và nhanh chóng.
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán: Phải bảo đảm thị trường giao dịch hiệu quả, thông suốt; đánh giá kỹ tác động và nghiên cứu kỹ lưỡng dự kiến quy định không tiếp tục cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân được trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến việc phát triển thị trường trái phiếu; làm rõ cách thức đánh giá, kiểm soát năng lực của tổ chức phát hành thông qua kết quả kiểm toán, thanh tra, xếp hạng tín nhiệm; rà soát điều kiện phát hành chào bán chứng khoán ra công chúng.
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập: đối với Luật Kế toán, làm rõ nguyên tắc áp dụng các chuẩn mực kế toán tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý, giám sát hiệu quả; nâng cao tính minh bạch, bổ sung công khai Báo cáo tài chính, bảo đảm công khai thông tin theo quy định của Luật có liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoản để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Đối với Luật Kiểm toán độc lập, đánh giá kỹ mức phạt tiền vi phạm hành chính đối với cá nhân bảo đảm hiệu quả, khả thi, tránh tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo rà soát, xây dựng dự án Luật này.
*Về Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi): Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng Luật, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, bảo đảm các yêu cầu sau:
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển hoạt động báo chí theo hướng bảo đảm điều kiện hoạt động, kinh phí, thu nhập cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, định hướng tuyên truyền; đồng thời đổi mới hoạt động quản lý chặt chẽ, thông thoáng, đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch.
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông về 4 nhóm chính sách. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, rà soát các giải pháp của từng chính sách để bảo đảm phù hợp với mục tiêu và yêu cầu của thực tiễn như: tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí: chỉnh lý chính sách không cho phép tạp chí khoa học được mở văn phòng đại diện tại địa phương để bảo đảm tính chủ động của tạp chí và phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tạp chí khoa học; phạm vi thông tin của cơ quan báo chí cần phù hợp với tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ được giao.
Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí: cần có chính sách khuyến khích để nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí tổ chức hoạt động hiệu quả.
Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí: hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế báo chí để hoạt động đúng quy định pháp luật; cân nhắc tên gọi "tập đoàn báo chí" để phù hợp với bản chất của báo chí cách mạng, tránh cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.
Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng: hoàn thiện các giải pháp chính sách đối với hoạt động báo chí trên không gian mạng để vừa quản lý hiệu quả, vừa thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động báo chí; có công cụ xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng; có hình thức khen thưởng và chế tài phù hợp, kịp thời, phòng ngừa các hành vi trục lợi không hợp pháp từ hoạt động báo chí.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, trong đó có các nội dung được Bộ Tư pháp nêu tại Báo cáo thẩm định và các cơ quan báo chí nêu tại Phiên họp; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo rà soát, hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật này.
Về Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Chính phủ thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện thể chế ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua; đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về tiến độ và chất lượng xây dựng thể chế, kịp thời đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý những vấn đề cấp bách, phát sinh, tạo cơ chế thu hút các nguồn lực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với các yêu cầu sau:
Rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp, các Luật về tổ chức bộ máy (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương); bám sát quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật về tổ chức bộ máy.
Đánh giá tác động các chính sách một cách kỹ lưỡng, bổ sung thêm các phương án, giải pháp chính sách, bảo đảm chính sách được đưa ra là hợp lý, khả thi, hiệu quả. Tích cực tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội theo quy định.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật này.
Theo baotintuc.vn