Bờ sông Dinh đoạn qua xã Phước Sơn tiếp tục sạt lở nghiêm trọng.
Tính đến ngày 20-12, đã có một số chòi rẫy và 171 nhà dân khu vực ven sông, vùng trũng bị ngập nước (Phước Hải 40 căn, An Hải 131 căn); 34 nhà ở trong khu dân cư bị sạt vách; 2 nhà dân ở An Hải, Phước Hải bị sập hoàn toàn. Về sản xuất, theo thống kê, diện tích các loại cây trồng bị ngập, úng trên 2.900 ha, trong đó cây hàng năm 2.719,3 ha (lúa 1.858,4 ha; bắp 373,4 ha; rau màu 487,5 ha); cây lâu năm bị ngập, úng 190,1 ha (nho 75 ha; táo 106,8 ha; cây lâu năm khác 8,3 ha); gia cầm chết trôi 300 con. Về thủy sản, diện tích vùng ao nuôi tôm bị ngập úng 10 ha ; nhiều công trình hạ tầng, tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng khoảng 14.150m; nhiều đoạn đê sông bị sạt lở, chủ yếu tại các đê sông Lu, sông Dinh với diện tích sạt lở 4.670 m2.
Đồng chí Nguyễn Đô, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đang tập trung theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ và lưu lượng xả lũ tại các hồ chứa để chủ động triển khai công tác ứng phó kịp thời; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng giúp dân sửa chữa, vệ sinh nhà ở, trường học, các tuyến đường giao thông, kênh mương bị hư hỏng; xử lý rác thải, tiêu độc khử trùng tại các khu vực công cộng nhằm đảm bảo môi trường, phòng chống dịch bệnh, ổn định đời sống, sinh hoạt của nhân dân, trong đó cần lưu ý cứu trợ nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà bị ngập và thông báo cho nông dân tranh thủ thu hoạch nông sản kịp thời vụ. Ngoài ra, các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp, đánh giá thiệt hại, báo cáo về UBND huyện để kịp thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.
Thế Quang