UBND tỉnh: Khẩn trương quyết liệt triển khai công tác phòng, chống mưa lũ hiệu quả

(NTO) Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, chiều ngày 16-12, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức cuộc họp chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Bình, Trần Quốc Nam, Phạm Văn Hậu và lãnh đạo các sở ngành, huyện, thành phố.

Trong 24 giờ qua, khu vực toàn tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biển từ 70-120 mm, cá biệt tại Vĩnh Hải 176 mm. Mực nước trên các sông suối khu vực tỉnh đang lên nhanh. Tổng dung tích 20 hồ chứa nước đạt 104,55%. Các hồ chứa nước đang xả lũ như: Sông Sắt 249,12 m3/s, Trà Co 70,39 m3/s, Sông Trâu 196,75 m3/s, Bà Râu 58,8 m3/s, Tân Giang 65,28 m3/s, Nước Ngọt 164,09 m3/s, Cho Mo 146,1 m3/s…tạo áp lực cho vùng hạ du. Mưa lũ đã gây ra sạt lở đất ở vùng núi, hệ thống giao thông, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp ảnh hướng đến đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh.

 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 
 
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đình Nhi

Để chủ động phòng, chống mưa lũ, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 5118/CĐ-UBND ngày 16-12 về tiếp tục triển khai thực hiện công tác phòng, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại các địa bàn trọng điểm. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã cấp cho huyện Ninh Phước 5.000 bao cát để đắp bờ Sông Lu khu vực cầu Mỹ Nghiệp và một số vị trí khác trên địa bàn huyện; 3.000 bao cát để gia cố đê Đầm Nại ở Ninh Hải. Các địa phương cũng đã tổ chức di dời trên 700 hộ dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn.

Dự báo, 24 giờ tới tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông. Mực nước trên các sông dự báo sẽ dao động ở mức BĐII-BĐIII. Các hồ chứa nước tiếp tục xả tràn, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt ở vùng trũng Ninh Phước, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Sau khi nghe phát biểu của lãnh đạo ngành, địa phương; ý kiến của các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác ứng phó, phòng, chống mưa lũ của các ngành, địa phương trước diễn biến nhanh của mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh: Tình hình mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, vì vậy, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai Công điện số 5118/CĐ-UBND, phòng chống có hiệu quả giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, về sản xuất, tài sản của nhân dân. Các địa phương cần có kế hoạch chủ động di dời dân ở những vùng xung yếu, ven sông, ven suối, hồ đập, vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét. Rà soát lại các phương tiện ứng cứu tại các địa phương, trực 24/24 h kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với từng địa bàn dân cư. Các lực lượng vũ trang, công an, biên phòng bố trí quân số, phương tiện vật lực ứng cứu khi lũ, lụt xảy ra. Sở NN&PTNT kiểm tra lại an toàn các hồ đập, các hồ thủy lợi đang còn thấp thì tích nước, các hồ đạt ngưỡng, xả lũ phải đúng quy trình đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh và các huyện thường xuyên thông báo diễn biến của mưa lũ cho người dân biết để ứng phó; Sở Y tế chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng để sau mưa lũ hướng dẫn các địa phương công tác vệ sinh môi trường và nước sinh hoạt, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên người sau lũ; Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi bám sát, có các phương án đảm bảo cho học sinh an toàn đến lớp. Ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo khẩn trương xuống cơ sở nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ.