Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(NTO) Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí Lê Văn Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc trao đổi về những kết quả và sự phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); những lời động viên, gửi gắm đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo tỉnh nhà…

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động của ngành GD&ĐT trong thời gian qua?

Đồng chí Lê Văn Bình
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đồng chí Lê Văn Bình: Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp hỗ trợ của các ngành, sự đồng tình ủng hộ của các đoàn thể, tổ chức xã hội và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà đã đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới, quy mô giáo dục không ngừng được củng cố, hoàn thiện, ngày càng phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH; đa dạng hoá các loại hình GD&ĐT, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập phong phú của Nhân dân và từng bước thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh nhà.

Riêng năm học 2015-2016, năm thứ 2 triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; năm thứ nhất thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, ngành GD&ĐT đã cơ bản hoàn thành các nội dung nhiệm vụ chủ yếu của năm học. Các cơ sở giáo dục (CSGD) đã đổi mới mô hình dạy học theo hướng mở, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Điểm nổi bật, đó là 100% CSGD mầm non đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với thực tế của từng địa phương. Triển khai chương trình tiếng Anh mới ở các trường phổ thông có đủ điều kiện, đảm bảo học sinh (HS) được học tiếng Anh liên thông từ TH đến THPT. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, quản lý giáo dục và nghiên cứu khoa học, góp phần tiết kiệm và tăng cường hiệu quả trong hoạt động GD&ĐT. Trong năm học 2015-2016, đã có 25 CSGD được đánh giá và đều đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ I. Tính đến nay, toàn tỉnh có 45 CSGD đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; có 78/235 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; có 62/65 xã, phường được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi... Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016, kết quả, hệ giáo dục phổ thông đỗ tốt nghiệp đạt 91,94%, tăng 7,5%; hệ giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp đạt 81,53%, tăng 22,8% so với năm 2015. Số lượng và chất lượng các kỳ thi HS giỏi có nhiều tiến bộ so với năm trước, có 129 HS đạt giải cấp tỉnh và 5 HS đạt giải khuyến khích cấp quốc gia...Tôi đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành GD&ĐT và những đóng góp của ngành trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đia phương.

 
Tri ân thầy, cô giáo.
Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi tặng hoa chúc mừng thầy, cô giáo nhân ngày 20-11.  Ảnh: V.M

Phóng viên: Để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2016-2017, thời gian đến theo đồng chí tỉnh ta cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Văn Bình: Năm học 2016-2017 là năm học thứ ba triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; năm thứ 2 triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2015-2020. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 20-10-2016 về thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh, ngành GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan cần quán triệt, triển khai có hiệu quả. Qua đó, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động về đổi mới GD&ĐT; để mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng ủng hộ, đồng hành và xem GD&ĐT thật sư là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, cơ sở cho phát triển bền vững.

Đối với ngành GD&ĐT, cần thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền; triển khai thực hiện có hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy và học, tiếp cận dần với trình độ tiên tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, chú trọng rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp các cấp học. Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho HS. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS trong và ngoài nhà trường. Cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển KT-XH tỉnh nhà, nhu cầu thị trường lao động của xã hội, nhằm hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy, học và công tác quản lý giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông; hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ thông tin cho công tác quản lý toàn ngành.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với  phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đảm bảo tốt nhất các điều kiện cho việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến đội ngũ nhà giáo; đồng thời, quyết liệt thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và học. 

Phóng viên: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí có gửi gắm gì tới các thầy, cô giáo tỉnh nhà?

Đồng chí Lê Văn Bình: Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Bác Hồ sinh thời từng nói: “Người thầy giáo tốt-thầy giáo xứng đáng là thầy giáo-là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ kính yêu, của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của Nhân dân; đồng thời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tôi nghĩ trước hết, quý thầy, cô giáo phải có kiến thức, lòng yêu nghề đồng hành với tình thương yêu học trò; có niềm tin và khát vọng cống hiến, khát vọng vươn lên, luôn trăn trở, quyết tâm hành động đổi mới ở tất cả các khâu giảng dạy. Người thầy giáo không phải chỉ đem kiến thức đến cho các em mà chính là dẫn dắt các em đi tìm kiến thức. Điều này đòi hỏi lao động trí tuệ miệt mài và cả lương tâm nghề nghiệp cao cả. Có lẽ chở các em đến đích một con đường dễ hơn nhiều là chỉ dẫn để các em tự tìm đến đích của con đường đó.

Tôi xin đặt niềm tin và kỳ vọng vào đội ngũ quý thầy, cô giáo sẽ tạo ra sản phẩm GD&ĐT có điều kiện để trở thành công dân toàn cầu- những người tiếp nối cha anh, góp phần dựng xây quê hương, đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho Báo Ninh Thuận cuộc trao đổi này.