Từ rất lâu, các nhà trường dù ở cấp nào đi nữa ngoài rèn đạo đức, cung cấp tri thức cho học sinh thì một yếu tố rất quan trọng đó là luôn coi lao động là việc làm cần thiết để giáo dục toàn diện học sinh. Ngoài giờ học, hàng tuần, học sinh phải tham gia lao động, vệ sinh trường lớp, vệ sinh nơi công cộng và tham gia lao động công ích ở địa phương. Có như vậy, với sự tiến hành thường xuyên và có kế hoạch của các nhà trường sẽ giúp ích rất lớn vào việc hình thành đức tính yêu lao động ở trẻ, giúp các em hiểu và có trách nhiệm với bản thân, cuộc sống…
Các em học sinh Trường THCS Nguyễn Tiệm (Phước Dinh, Thuận Nam) chăm sóc cây xanh sân trường.
Ảnh: Sơn Ngọc
Thế nhưng, thời gian gần đây việc giáo dục lao động đối với học sinh các cấp giảm hẳn đi, do nhiều nguyên nhân. Yêu cầu về giáo dục lao động không còn được chú trọng, thậm chí bị coi nhẹ. Áp lực bài vở và thi cử khá nặng nề. Đời sống các gia đình, nhất là ở thị trấn và thành phố đã nâng lên đáng kể, sinh ít con, hầu hết trẻ em không phải và không được lao động như trước đây, việc lao động ở các nhà trường được thực hiện bằng “dịch vụ hóa” bằng cách thu “phí vệ sinh” để thuê nhân công làm thay…Những nguyên nhân trên làm cho việc giáo dục lao động đối với trẻ em bị hạn chế rất nhiều, tạo nên những yếu kém về ý thức-kỹ năng lao động và kỹ năng sống, việc giáo dục toàn diện học sinh có phần ảnh hưởng.
Bởi vậy, giáo dục ở các nhà trường hiện nay rất cần khôi phục và tăng cường nội dung biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh ở tất cả các bậc học, tùy theo độ tuổi.
Những công việc hàng ngày khi các em đến trường phải làm tưởng như đơn giản: quét dọn lớp, sân trường, tưới nước cây, lau bàn ghế…cũng đã hình thành ở các em tình yêu lao động và khả năng hoàn thiện các kỹ năng lao động phục vụ cho sinh hoạt, phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện nay: chú trọng “giáo dục năng lực và phẩm chất”, “giáo dục kỹ năng sống”, tăng cường hoạt động trãi nghiệm trong các nhà trường.
Trong năm học này, một số trường làm tốt nội dung giáo dục lao động. Đó là trường THCS Trương Định, trường THCS Đổng Dậu (huyện Ninh Phước), trường Tiểu học Lạc Nghiệp (huyện Thuận Nam), trường Mẫu giáo Lợi Hải (Thuận Bắc)…Dù quy mô còn nhỏ, các công việc thể hiện chưa nhiều, nhưng từ thành quả lao động đạt được ở trường cùng sự ghi nhận của bạn bè và thầy cô, khiến các em có thêm động lực và niềm hăng say lao động, biết quý trọng giá trị sức lao động của bản thân và người khác.
Hiệu quả đạt được ở học sinh qua hoạt động lao động đó là hình thành niềm tin trong tâm hồn học sinh rằng các em sẽ cảm nhận được lao động là vinh quang, là tự hào, là trách nhiệm của mỗi con người trong cuộc sống. Điều đó sẽ kích thích nhiều hơn nữa ý chí học tập của các em.
Nhận thức được điều này, nhiều bậc phục huynh bày tỏ mong muốn các trường nên khôi phục lại kế hoạch tổ chức lao động cho học sinh.
Vấn đề giáo dục nhân cách, hình thành các kỹ năng sống luôn là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các nhà trường. Và đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hơn bao giờ hết, các nhà trường dù ở cấp học nào cũng cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục học sinh qua lao động và coi đây là yếu tố không thể thiếu được trong hành trình đưa các em trở thành con người hữu ích của xã hội.
Lê Thế Kỷ
Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận.