Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(NTO) Năm học 2016-2017, Trường THPT Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh có 282 học sinh (HS), trong đó có trên 95% HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các em hầu hết đều đến từ các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, được học tập, ăn ở, sinh hoạt nội trú ngay tại trường. Chính vì vậy, ngôi trường không chỉ là nơi để các em học tập, trau dồi kiến thức, mà còn là mái ấm gia đình, nơi các em cùng gắn bó, sinh hoạt và bước đầu làm quen với cuộc sống tự lập.

 
Tiết học môn Sinh học của các em học sinh lớp 10A3 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.

Là cơ sở giáo dục dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên chất lượng đầu vào của HS còn thấp, khả năng giao tiếp thường thụ động; số đông HS chưa say mê học tập. Mặt khác, HS thuộc nhiều dân tộc, phong tục tập quán khác nhau nên trong công tác giảng dạy và quản lý HS đối với tập thể sư phạm nhà trường gặp không ít khó khăn. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngay từ đầu năm, nhà trường tổ chức phân luồng HS để có phương pháp giảng dạy phù hợp với năng lực của các em. Khác với các trường THPT khác, HS Trường THPT DTNT tỉnh lên lớp 3 buổi/ngày. Trong đó, buổi tối là giờ các em tự học bài trên lớp dưới sự giám sát, quản lý của giáo viên và giám thị. Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, các giáo viên được phân công tăng cường kiểm tra hoạt động tự học của HS; tận tình giải đáp, hướng dẫn các em học tập theo mô hình học nhóm. Nhờ vậy, chất lượng giảng dạy ngày càng nâng cao. Trong năm 2015-2016, toàn trường có 42,7% HS xếp loại học lực khá, giỏi; 85,8% HS được xếp loại hạnh kiểm tốt; có 8 HS giỏi cấp tỉnh; 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh…

Không chỉ tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường còn nỗ lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho HS, từng bước xây dựng mái nhà chung ngày càng lành mạnh. Trong năm học mới, nhà trường được UBND tỉnh đầu tư xây dựng khu nội trú cho HS nam. Nhằm đảm bảo chế độ dinh dưỡng, an toàn cho HS, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm ở bếp ăn. Tất cả các loại thực phẩm đều được kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ, thực đơn được thay đổi thường xuyên. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa về văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể thao được nhà trường quan tâm. Trường có sân chơi bóng chuyền, bóng rổ, tạo điều kiện cho HS vui chơi, rèn luyện thể chất; thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao, sinh hoạt đố vui học tập, lao động tập thể trồng cây, trang trí trường lớp… giúp HS phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, tự tin để học tập tốt hơn.

Trao đổi về phương hướng của trường trong năm học mới, thầy giáo Đàng Quang Linh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trong năm học mới, nhà trường tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy. Cụ thể, nhà trường bám sát đề thi THPT quốc gia mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với cấu trúc thi mới. Khuyến khích mỗi khối lớp, các tổ chuyên môn triển khai phương pháp dạy học tích hợp liên môn để học sinh quen dần với cấu trúc đề thi mới. Theo dự kiến, trong năm học mới, nhà trường tổ chức 2 hội thảo về nâng cao chất lượng dạy học cho các môn thi THPT quốc gia. Phấn đấu nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học, cao đẳng; trình độ Tin học và ngoại ngữ cho HS. Tích cực tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho HS, góp phần giúp các em xác định đúng năng lực và có sự lựa chọn đúng đắn.