Chủ động, khẩn trương ứng phó với tình hình mưa lũ, áp thấp nhiệt đới

(NTO) Ngày 4-11, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai công tác phòng chống mưa, lũ trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến dự và chỉ đạo. Tham dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Văn Bình, Trần Quốc Nam, Phạm Văn Hậu; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành phố.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tiếp tục tăng cường xuống phía Nam, kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao ở rìa Nam lưỡi áp cao cận nhiệt đới, khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa từ ngày 2-11 đến 9 giờ ngày 4-11 đã gây sạt lở đất ở vùng núi, hệ thống giao thông, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh. Mưa lũ đã làm ngập 972,4ha lúa và hoa màu; 38 nhà bị tốc mái, cuốn trôi, sập vách; các tuyến giao thông: Tỉnh lộ 701, 706, 707, đường Ninh Bình đi Phước Bình (Bác Ái), đường Mũi Dinh-Cà Ná và các tuyến đường liên xã, thôn của một số địa phương bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến giao thông; một số hệ thống kênh mương thủy lợi bị xói lở, cuốn trôi; dọc sông Dinh do nước lũ lớn về gây sạt lở tại xã Phước Sơn (Ninh Phước) nằm ở phía bờ hữu sông Dinh, phía hạ lưu đập Nha Trinh; uy hiếp đến 2 trụ điện cao thế ở 2 bên bờ sông Dinh sát khu vực sạt lở này.

 
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo cuộc họp.
 
 
Toàn cảnh cuộc họp triển khai công tác phòng chống mưa, lũ.

Theo dự báo, hiện nay trên biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 4 đến 6-11, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông, trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, để chủ động ứng phó hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 4470/CĐ-UBND gửi các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố yêu cầu dốc toàn lực ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Các địa phương rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại những khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các huyện, thành phố, các sở, ngành đã nêu nhiều phương án chuẩn bị ứng phó với tình hình mưa lũ. Đã tổ chức di dời trên 220 hộ ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi ở mới an toàn. Lực lượng chức năng đã liên lạc được toàn bộ 410 tàu/3.657 lao động hiện đang hoạt động tại khu vực biển Bình Thuận, Bà Rịa–Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng và vùng biển Ninh Thuận; tàu thuyền hoạt động ven bờ trong tỉnh 12 chiếc/110 lao động hoạt động tại khu vực biển Cá Nà tiếp giáp; 2.345 tàu/13.488 lao động đang neo đậu tại tỉnh.

 
Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. 
 
 
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ngành, đơn vị, địa phương phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Thời tiết mưa lũ đang diễn biết rất phức tạp. Vì vậy, các ngành, địa phương cần triển khai ngay biện pháp phòng, chống với mục tiêu: Phòng, tránh, chống có hiệu quả, giảm thấp thiệt hại, không để xảy ra thiệt hại về người; hạn chế thiệt hại về sản xuất, tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Các địa phương cần có kế hoạch chủ động di dời dân ở những vùng xung yếu, ven sông suối, hồ đập, vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét. Rà soát lại các phương tiện ứng cứu tại các địa phương. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi lũ, lụt xảy ra. Sở NN&PTNT kiểm tra lại an toàn các hồ đập, các hồ thủy lợi đang còn thấp thì sẵn sàng tích nước, các hồ gần đạt ngưỡng từ 90-95% cần vận hành an toàn, cảnh báo tình huống xả lũ cho các địa phương để chủ động ứng phó. Đối với tuyến biển phải đảm bảo an toàn kè cảng, neo đậu tàu thuyền; những nơi không an toàn thì kiên quyết di dời…

Trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngay sau cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương xuống cơ sở nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp phòng, chống bão. Các cơ quan thông tin đại chúng và các huyện thường xuyên thông báo diễn biến của bão lũ cho người dân biết để ứng phó; Sở Y tế chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng để sau mưa lũ hướng dẫn các địa phương công tác vệ sinh môi trường, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên người sau lũ; Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh trong việc phân bổ, cấp phát gạo cứu trợ kịp thời cho Nhân dân, không để người dân đói; Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi, có các phương án đảm bảo cho học sinh đến lớp an toàn.