VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Chủ động để không bất ngờ!

(NTO) Có thể nói, trong vòng vài năm trở lại đây thời tiết ngày càng trở nên bất thường, cực đoan, thể hiện rõ qua nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm gây nên tình trạng hạn hán kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân nhiều địa phương trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng. Hay đã xảy ra những trận mưa, lũ, “lịch sử” gây lũ lụt làm thiệt hại nặng nề cho Nhân dân, đặc biệt là các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị những ngày gần đây. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu về sự chủ động phòng chống, ứng phó thiên tai bằng những việc làm cụ thể, để không bị bất ngờ trong mọi tình huống. 

 
Huyện Thuận Nam huy động lực lượng bộ đội, y tế và phương tiện tàu thuyền sẵn sàng
tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận, trong năm 2016 này sẽ xuất hiện mưa lớn tập trung vào tháng 10 trở đi, có khả năng xảy ra từ 2 đến 3 đợt lũ vượt báo động cấp III trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh. Thực tế là những ngày gần đây đã có mưa ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tính đến 7 giờ ngày 3-11, mực nước trên sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ là 36,47m, trên mức báo động I là 0,47m. Dự báo lũ trên các sông từ Bình Định đến Ninh Thuận…tiếp tục lên cao, nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp.

Trước các dự báo của ngành chuyên môn nêu trên, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, điều quan trọng hàng đầu hiện nay là các ngành, địa phương khẩn trương, tích cực triển khai các phương án phòng chống lụt bão đã đề ra. Đồng thời, thực hiện tốt một số công việc như: chú trọng phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, đơn vị để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cần tổ chức lực lượng trực ban phòng chống lụt bão để thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhanh chóng cảnh báo thiên tai đến người dân kịp thời ứng phó. Xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất…để bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Chú trọng kiểm tra, quản lý, đảm bảo an toàn cho các hồ, đập chứa nước và hạ du công trình trong mùa mưa lũ. Đặc biệt lưu ý đến việc sẵn sàng di dời người dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện cứu nạn, cứu hộ, lương thực, thực phẩm, y tế, sẵn sàng huy động lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung kích khi có lệnh. Chủ động ứng phó với các tình huống phát sinh sau thiên tai, đề phòng dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm... Đối với người dân, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để tránh chủ quan, lơ là mà cần chủ động phòng tránh trước mọi thiên tai; có ý thức bảo vệ các công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường…

Thực hiện có hiệu quả một số yêu cầu nêu trên sẽ góp phần hạn chế thiệt hại cả về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.