Trình bày Tờ trình dự án Luật Đường sắt, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa nêu rõ, Luật đường sắt hiện hành có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006, tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động đường sắt. Cụ thể như: việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và trong đó có những quy định liên quan đến Luật Đường sắt; việc triển khai thực hiện một số nội dung Luật Đường sắt 2005 còn hạn chế và chưa phù hợp; vẫn còn nhiều nội dung chưa được quy định trong Luật Đường sắt 2005 cần phải bổ sung phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi Luật Đường sắt hiện hành cho phù hợp với Hiến pháp 2013, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển giao thông vận tải đường sắt là cần thiết.
Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi gồm 9 chương, 95 Điều (thêm 1 chương, giảm 19 Điều so với Luật hiện hành); đã bổ sung một số quy định mới và sửa đổi những quy định không còn phù hợp của Luật Đường sắt năm 2005. Ngoài những quy định chung, Dự thảo Luật quy định về Kết cấu hạ tầng đường sắt; Công nghiệp đường sắt và Phương tiện giao thông đường sắt; Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; Tín hiệu, quy tắc giao thông và trật tự an toàn giao thông vận tải đường sắt; Kinh doanh đường sắt; Đường sắt đô thị; Đường sắt tốc độ cao.
Thẩm tra về dự án Luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho đầu tư, tổ chức quản lý, khai thác và phát triển giao thông vận tải đường sắt theo hướng hiện đại, đưa đường sắt Việt Nam phát triển giữ vị trí của một ngành kinh tế quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nên quy định việc xã hội hóa đầu tư trong kinh doanh đường sắt
Điểm mới đầu tiên của Dự thảo Luật lần này là về quy hoạch phát triển giao thông- vận tải đường sắt (Điều 7). Kinh nghiệm một số nước cho thấy, quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia phải gắn kết chặt chẽ và tạo nên sự đồng bộ với quy hoạch phát triển của các ngành vận tải khác, trong đó đường sắt giữ vai trò là dòng vận tải chủ đạo trên trục chiến lược, trên các hành lang kinh tế trọng điểm và trên các đầu mối giao thông lớn. Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị phải tạo nên năng lực chủ lực trong vận chuyển hành khách khối lượng lớn, tốc độ nhanh và trong toàn bộ vận hành của mạng lưới vận tải công cộng trên các đô thị lớn và nối kết liên vùng, kết nối quốc tế. Quy hoạch phát triển giao thông- vận tải đường sắt phải thể hiện yêu cầu phát triển đồng bộ giữa hạ tầng đường sắt, công nghiệp đường sắt và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu làm chủ công nghệ, đổi mới và nâng cao năng lực vận hành của ngành đường sắt, phải được quản lý chặt chẽ trên cơ sở xác định rõ các khâu ưu tiên, các dự án đầu tư trọng điểm mang tính đột phá, lộ trình thực thi quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, CN và MT Pham Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo phải thể hiện rõ hơn nội dung về quy hoạch phát triển giao thông- vận tải đường sắt theo hướng nêu trên, đồng thời bổ sung quy hoạch xây dựng nhà ga đường sắt, đặc biệt là các ga trung chuyển để thực sự trở thành đầu mối vận tải đa phương thức trong vận tải hàng hóa và hành khách, quy hoạch giao thông công cộng đến các nhà ga để nâng cao hiệu quả hoạt động của đường sắt. Trong Dự án Luật cũng nên quy định việc xã hội hóa đầu tư, sử dụng các nhà ga một cách hiệu quả nhất.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị bổ sung các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội; tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh đường sắt; khuyến khích đầu tư, tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh đường sắt, nâng cao chất lượng phục vụ để phục hồi và phát triển thị phần vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác, góp phần giảm tình trạng quá tải của giao thông đường bộ, đường không; nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống tuyến đường sắt hiện có, đầu tư, xây dựng mới các tuyến đường sắt.
Quy định cụ thể đối với quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt
Luật Đường sắt năm 2005 mới chỉ đưa ra nguyên tắc phân định công tác quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, chưa tách bạch được hai hoạt động này, chưa làm rõ những nội dung cụ thể của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt. Nhiều đại biểu Quốc cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường sắt. Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghê và Môi trường thống nhất cần thiết bổ sung quy định cụ thể hơn nội dung quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường sắt trong Dự thảo Luật.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với việc cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan Quản lý nhà nước về đường sắt ở trung ương; còn trách nhiệm quản lý hoạt động đường sắt ở địa phương thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo quy định trách nhiệm Quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt thành một chương riêng, đồng thời rà soát quy định trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban Nhân dân các cấp nhằm hạn chế sự tản mạn trong nhiều điều, khoản để tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm, quy định cụ thể việc phân công, phân cấp; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ Quản lý nhà nước để tránh không thống nhất trong quá trình triển khai, thực hiện Luật, tránh chồng lấn giữa công tác Quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của các chủ thể trong hoạt động đường sắt.
Nguồn: quochoi.vn