Đưa tiền chất thuốc nổ vào phạm vi điều chỉnh luật
Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đều cho rằng, bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là một trong những chức năng, nhiệm vụ chủ yếu quan trọng của nhà nước. Để bảo đảm vận hành hoạt động quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh yếu tố con người giữ vai trò quyết định thì phương tiện, công cụ và các điều kiện bảo đảm về vật chất đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, các đại biểu đều nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Các đại biểu thảo luật tại tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đại biểu Lê Ngọc Hải- Quảng Nam đồng tình với sự cần thiết nâng lên từ pháp lệnh thành luật để đảm bảo tính công bằng trong quá trình quản lý, điều hành của Nhà nước, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tính chất tội phạm rất phức tạp. Theo đại biểu Lê Ngọc Hải, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ và không được sử dụng đúng mục đích, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người cũng như gây thiệt hại về tài sản cho nhà nước, các tổ chức tập thể và người dân.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, đại biểu Nguyễn Doãn Anh- Hà Nội thống nhất việc đưa tiền chất thuốc nổ vào phạm vi điều chỉnh luật này. Bởi tiền chất thuốc nổ là những hóa chất có nguy cơ phát nổ cao, dễ sử dụng để chế tạo ra phương tiện gây án của tội phạm và khủng bố nên cần được quản lý chặt chẽ hơn các loại hóa chất khác. Thực tế cho thấy tiền chất thuốc nổ đã phát nổ ngay khi vận chuyển như vụ nổ tại bến xe Phương Trang ở Cần Thơ ngày 1/3/2013 khi để chung kaliclorat với than hoạt tính và keo dán 502 làm bị thương 3 người hoặc nhiều vụ tội phạm, khủng bố trên thế giới đã chế bom từ tiền chất thuốc nổ để gây án theo hướng dẫn trên mạng internet. Mặt khác, đưa tiền chất thuốc nổ vào phạm vi điều chỉnh của dự án luật này là kế thừa Pháp lệnh hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, không gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới WTO vì Chính phủ chỉ quy định danh mục cụ thể một số loại hóa chất với hàm lượng ở mức có nguy cơ cháy nổ cao mới phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn so với quy định của Luật Hóa chất.
Chỉ giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí
Cho ý kiến về Điều 15 dự thảo Luật về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, đại biểu Nguyễn Doãn Anh- Hà Nội nhất trí với phương án 2: kế thừa Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, dự thảo Luật quy định theo hướng: Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện việc chế tạo, sản xuất vũ khí theo quy định của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, phương án này đúng với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 06 về phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, việc đầu tư của Nhà nước phải tập trung mới đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, Bộ Quốc phòng vẫn đang hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm vũ khí theo yêu cầu của Chính phủ để trang bị cho Bộ Công an và các lực lượng chuyên trách thi hành công vụ khác của Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Doãn Anh chia sẻ, có ý kiến băn khoăn phương án 2 không đúng với tinh thần Hiến pháp 2013. Hiến pháp ghi rõ “phát triển công nghiệp quốc phòng, anh ninh” không có nghĩa cào bằng, bình quân chia đều mà nên hiểu Nhà nước sẽ phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng có sự phân công, phối hợp sao cho các nguồn lực đầu tư phải mang lại hiệu quả tổng hợp, tối ưu nhất. Những gì liên quan đến vũ khí nên tập trung vào công nghiệp quốc phòng vì đây là lĩnh vực có quá trình lịch sử xây dựng và phát triển lâu dài, không những đang đem nhiệm tốt việc bảo đảm trang bị vụ khí đồng bộ đến cấp sư đoàn mà còn đang tiếp tục nghiên cứu phát triển theo yêu cầu tác chiến của quân đội trong chiến tranh hiện đại.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Bắc Kạn nhất trí chỉ nên giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí để tập trung nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, phù hợp với thực tế hiện nay. Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Công an chỉ nên giao nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa một số loại vũ khí phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và giao Chính phủ quy định là phù hợp. Bởi vũ khí là chủng loại đặc biệt, liên quan đến an ninh, đòi hỏi kỹ thuật cao và càng ngày càng hiện đại. Trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc tiếp cận kỹ thuật tiến bộ trên thế giới còn hạn chế, nếu tập trung đầu tư cho các tổ chức doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thì việc thực hiện chủ trương của Đảng về từng bước hiện đại sẽ nhanh chóng hơn.
Về đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; loại vũ khí quân dụng được trang bị, đại biểu Nguyễn Thị Thủy không đồng tình với ý kiến bổ sung đối tượng công an xã được trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ. Bởi công an xã không phải lực lượng công an chính quy. Hiện nay theo pháp lệnh về công an xã, do thiếu lực lượng nên trong các quy định hiện hành chấp nhận trình độ từ tiểu học, trung học cơ sở cũng có thể được tuyển dụng vào công an xã. Nếu với đội ngũ này mà lại trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ thì cần phải cân nhắc thêm. Đại biểu Nguyễn Đình Tiến- Quảng Nam đồng tình ý kiến bổ sung đối tượng cơ quan điều tra của viện kiểm sát được trang bị vũ khí quân dụng. Theo đại biểu, toàn bộ lực lượng điều tra viên của viện kiểm sát tối cao trên toàn quốc chỉ có 180 người. Bên cạnh đối tượng điều tra về các án không có vũ lực, cũng có những đối tượng điều tra cần trang bị súng để bảo vệ bản thân của điều tra viên. Vì vậy, cấp vũ khí quân dụng cho toàn bộ điều tra viên là hợp lý, chủ yếu là cấp súng ngắn.
Nguồn: quochoi.vn