Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng
Nhìn vào bức tranh CN của tỉnh qua 9 tháng cho thấy, trong số 18 sản phẩm chủ lực của ngành, có 5 sản phẩm tăng cao trên 10%, gồm: Gạch không nung tăng 36,3%; nhân hạt điều tăng 29,6%; gạch nung tăng 19,3%; nước uống tăng 11,6%; bia đóng lon tăng 10,9% và 7 sản phẩm tăng nhẹ, gồm: Khăn bông các loại tăng 8,4%; quần áo may sẵn tăng 7,9%; điện thương phẩm tăng 6,9%; tinh bột sắn tăng 6%; đường RS tăng 3,3%; tôm đông lạnh tăng 2,5% và xi măng tăng 1,4%. Đạt kết quả trên là nhờ ngành Công Thương đã phối hợp tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho DN; đồng thời, triển khai có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, của Bộ Công Thương về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các DN trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đầu tư mở rộng sản xuất, chủ động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 4.236 tỷ đồng, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Xây dựng Ninh Thuận kiểm tra chất lượng sản phẩm gạch không nung. Ảnh: V.M
Theo phân tích của Sở Công Thương, chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành là lĩnh vực chế biến, chế tạo với 54,1%. Với chỉ số giá trị sản xuất tăng gần 6,13%, nhóm CN này đã đóng góp vào chỉ số sản xuất chung 9 tháng tăng 8,98% so cùng kỳ. Đứng thứ hai là nhóm sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí với tỷ trọng 26% và chỉ số sản xuất tăng 3,82%. Trong đó, điện thương phẩm tăng 6,91%; điện sản xuất bằng xấp xỉ cùng kỳ. Riêng lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tuy chỉ chiếm tỷ trọng 3,7% trong cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành, nhưng chỉ số sản xuất dự tính tăng 11,14%, trong đó hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 11,55% so với cùng kỳ.
Về tình hình triển khai dự án, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 2 dự án điện gió là Mũi Dinh và Trung Nam đã khởi công. Các dự án đang đầu tư, dự kiến hoàn thành đưa vào sản xuất cuối năm nay, gồm: Dự án Nâng công suất Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận (giai đoạn 2), tháng 11-2016 sẽ hoàn thành lắp đặt máy móc, tháng 12-2016 sản xuất thử và tháng 1-2017 sẽ chính thức sản xuất. Dự án Chế biến Muối Khánh Vinh (giai đoạn 2), đã hoàn thành các hạng mục xây dựng, hiện đang lắp đặt máy móc, thiết bị, dự kiến tháng 11-2016 hoàn thành. Khi đi vào hoạt động, các dự án trên sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của ngành.
Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm.Ảnh: Văn Miên
Dồn sức cho những tháng cuối năm
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, ngành CN phấn đấu đưa giá trị sản xuất đạt khoảng 1.600 tỷ đồng, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất CN cả năm ước đạt 5.836 tỷ đồng, đạt 90% so với kế hoạch. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, việc hoàn thành mục tiêu trên sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Ngoài yếu tố kinh tế thế giới và trong nước đang chịu sức ép lạm phát trở lại, thì tình hình thị trường tiêu thụ giảm, lượng hàng hóa tồn kho nhiều cũng sẽ gây bất lợi cho hoạt động DN. Trong khi đó, các sản phẩm chủ lực đóng góp tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây như bia đóng lon, tôm đông lạnh đến nay đã phát huy hết công suất vốn có; một số sản phẩm mới đưa vào sản xuất trong năm 2015 và đầu năm 2016 như bột rau câu và nha đam… chưa phát huy năng lực, do đang trong giai đoạn tìm kiếm mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ.
Vấn đề đáng chú ý nữa, đó là trong số 18 sản phẩm chủ lực của ngành vẫn còn 4 sản phẩm giảm so với cùng kỳ. Trong đó, các sản phẩm chủ lực thuộc lĩnh vực CN khai khoáng giảm tới 20%, cụ thể: Khai thác muối biển chỉ ước đạt 261 ngàn tấn, giảm 26,6%; nguyên nhân, do giá muối tiêu thụ giảm mạnh, đồng thời lượng tồn kho nhiều (tính đến cuối tháng 8-2016, lượng muối tồn kho gần 300 ngàn tấn các loại). Sự giảm sút của sản phẩm này đã làm giảm 3,25% chỉ số sản xuất chung toàn ngành. Tiếp đến là khai thác đá xây dựng, sản lượng 9 tháng chỉ đạt 565.617m3, giảm 14,8% so cùng kỳ; nguyên nhân, do các công trình xây dựng đầu năm chậm triển khai, một số công trình lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hoàn thành. Lĩnh vực chế biến muối cũng chỉ đạt 66,66 ngàn tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ; nguyên nhân, do nguồn nguyên liệu muối khai thác trên bạt để phục vụ chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Đối với lĩnh vực điện sản xuất, trong tháng 9 tuy có tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ, nhưng do hạn hán kéo dài dẫn đến thiếu nước phục vụ thủy điện, nhất là các tháng đầu năm, nên cũng chỉ đạt xấp xỉ so với cùng kỳ.
Trước những diễn biến bất lợi nêu trên, hiện Sở Công Thương đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy CN phát triển. Trong đó, xác định từ nay đến cuối năm tập trung vận động các DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy cao nhất năng lực các sản phẩm hiện có. Tiếp tục theo dõi tình hình các dự án đang triển khai để nắm bắt thông tin, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, tạo thêm sản phẩm mới, tăng thêm năng lực sản xuất cho ngành. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ về những chủ trương, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư mới để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đối với các dự án thuộc lĩnh vực CN chế biến; xây dựng các cửa mở để DN nội tỉnh tiếp xúc với thị trường chung của khu vực. Cách làm này không chỉ khuyến khích các DN trong tỉnh phát huy tốt nội lực, mà còn có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết được với các DN trong, ngoài tỉnh để sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiềm năng CN phát triển, phấn đấu đến cuối năm đưa tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 6,8% so với cùng kỳ.
Văn Thanh