Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình trước Quốc hội
về những ý kiến, băn khoăn của các đại biểu.
Về tính thống nhất giữa Luật đấu giá tài sản với các luật khác như các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đây là luật về hình thức, về trình tự, thủ tục, cho nên khi so sánh với các luật khác thì cần xem trình tự, thủ tục về bán đấu giá ở các luật khác được quy định ra sao. Bộ Tư pháp đã rà và thấy duy nhất có một luật đó là Luật thương mại quy định có 27 điều khác nhau, quy định về trình tự thủ tục về bán đấu giá tài sản của thương nhân, còn lại là không có, từ Luật đất đai cho đến thi hành án cho đến tất cả các luật khác đều dẫn chiếu đến quy định của Nghị định 17 về bán đấu giá. Có nghĩa trình tự thủ tục là dẫn chiếu ngược trở lại đây và sắp tới khi có luật này thì dẫn chiếu đến luật này.
Bộ trưởng cũng đồng ý với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đó là theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật những cái sau có giá trị vượt trội, nếu nói về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thì luật này ban hành sau phải tuân theo. Như vậy, về nguyên tắc phải bãi một số quy định khác ở trong Luật thương mại khác với luật này. Điều này Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục rà soát. Bộ trưởng khẳng định, các luật khác đều dẫn chiếu đến đây nên không có chuyện mâu thuẫn giữa dự thảo bộ luật này với các luật khác trong trường hợp được Quốc hội thông qua.
Về vấn đề liên quan đến nghề bán đấu giá có hạn chế về hình thức doanh nghiệp, có yêu cầu cao về tiêu chuẩn và kinh nghiệm của những người được chọn để đào tạo, đào tạo nghề, tập sự hành nghề rồi mới được ra hành nghề. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, đây là một nghề tư pháp, một nghề đặc thù. Đặc biệt, thiết kế luật của ở đây cơ bản bán tài sản của nhà nước nên nếu không có chuẩn theo nghề, không có đạo đức đầy đủ, không có quy định chặt chẽ thì người thiệt hại đầu tiên sẽ là nhà nước và tình trạng quân xanh, quân đỏ, dìm giá, thông đồng thực tế rất nhiều.
Các quy định liên quan đến đào tạo nghề, đến tiêu chuẩn, Bộ Tư pháp đã có rà soát và thấy có một số các chức danh cần phải có trình độ đào tạo mang tính chất tương đồng gắn với công việc, bản chất công việc của nghề đấu giá viên, đồng thời liệt kê ra một số các đối tượng như vậy với bao nhiêu năm được hành nghề, bao nhiêu năm được miễn. Câu chuyện 5 năm hay 3 năm đối với hành nghề sẽ có thể tính toán thảo luận thêm để xem như thế nào phù hợp với thực tế. Đây là một nghề đặc thù, lại là nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên phải thiết kế một cách phù hợp.
Về đề nghị rà soát lại trình tự, thủ tục bán đấu giá, tránh tiêu cực, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp đã cố gắng tới mức tối đa để quy định về trình tự, thủ tục từ việc niêm yết, thông báo đến nâng tỷ lệ tiền đặt trước, trong quá trình đấu giá thì người có tài sản có quyền gì, đề nghị dừng đấu giá chẳng hạn, để tránh tình trạng quân xanh, quân đỏ và quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, về cơ bản đã tối đa. Đồng thời, trong Bộ luật hình sự mới năm 2015 có một điều quy định về việc thông đồng, dìm giá, ở trong bộ luật bây giờ đã xử lý hình sự rồi. Tuy nhiên, xin tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để xem những gì còn có thể chặt chẽ hơn để tiếp tục đưa vào để đảm bảo làm sao bán cho công khai, minh bạch, bảo đảm được quyền lợi của nhà nước và bảo đảm được quyền lợi của người có quyền.
Về hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Bộ trưởng đồng ý với nhiều đại biểu là có thể chấp nhận được phương án 1 là quy định rõ trong luật, nhưng cần làm rõ là VAMC chỉ được bán tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm cho nợ xấu. Đây không phải là một tổ chức bán đấu giá hoạt động được như trung tâm dịch vụ đấu giá hoặc các doanh nghiệp đấu giá khác. Trong quá trình bán đấu giá đó nếu ký hợp đồng với đấu giá viên là một câu chuyện, còn nếu tự mình bán thì trình tự, thủ tục là phải theo quy định của Luật đấu giá này. Cho đến bây giờ thực tế cho thấy VAMC chưa tự bán mà chủ yếu là ký hợp đồng với các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để bán.
Về chuyển đổi trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Bộ trưởng cho rằng, đây là một quy chế đang tồn tại, bây giờ có 62 trung tâm, trung tâm của Trà Vinh đã giải tán nên không đặt vấn đề là thành lập trung tâm này mà tinh thần ở đây là các trung tâm này sẽ hoạt động với tư cách là một dịch vụ, tổ chức cung cấp dịch vụ công và tiến tới làm sao làm ăn tốt để duy trì được, còn ở những nơi làm ăn không được hoặc có đủ các doanh nghiệp thì có mô hình chuyển đổi. Nhưng không thể nào xây dựng được mô hình chung cho toàn quốc vì sẽ không thực tế. Chính vì vậy cho nên có một vấn đề quy định về nguyên tắc ở đây và giao cho các địa phương tùy theo thực tế của mình để xem có cần phải chuyển đổi hay không chuyển đổi. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, nếu các trung tâm này hoạt động tốt hoàn toàn có thể tự mình thực hiện nhiệm vụ chính trị và đặc biệt ở 14 tỉnh bây giờ chưa có các doanh nghiệp thì câu chuyện tiếp tục tồn tại và củng cố hoạt động của trung tâm này cũng là một ý nên ủng hộ.
Nguồn: quochoi.vn