Tổ đại biểu số 06 gồm: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Hậu Giang.
Tại tổ số 06 gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Hậu Giang, đa số ý kiến đại biểu thảo luận cho rằng Chính phủ cần bổ sung thêm nhiều số liệu dẫn chứng chứng minh những kết quả đạt được trong tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015 cũng như có thêm đánh giá và sâu sắc về những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Tán thành với việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu cũng đề nghị trong giai đoạn tới cần tiếp tục triển khai triển để các nội dung trọng tâm của giai đoạn trước. Một số ý kiến đại biểu băn khoăn về việc tổ chức thực hiện kế hoạch cũng như huy động nguồn vốn thực hiện.
Cần đánh giá chi tiết về kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế 2011-2015
Đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015, đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi- Thanh Hóa nhận định mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành. Theo đại biểu, nguyên nhân của việc không hoàn thành được mục tiêu đề ra là do quy mô kinh tế nước ta còn nhỏ, chậm chuyển biến; huy động nguồn vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả đầu tư lại thấp; tăng trưởng có xu hướng chậm lại, chất lượng không cao và thiếu bền vững.
Đại biểu cũng nêu rõ một số hạn chế, những vấn đề mâu thuẫn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu cần phải suy nghĩ. Trong đó, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào hai yếu tố là vốn (chiếm 72,03%) và lao động (chiếm 23,69%) nhưng năng suất lao động chỉ đạt 30%. Mặt khác, trong mối quan hệ giữa năng suất lao động và tiền lương thì năng suất lao động tăng chậm hơn tăng bình quân tiền lương, tiền lương tăng 8%/năm trong khi đó năng suất lao động tăng 5%/năm như vậy. Về các chỉ tiêu trong giáo dục, đào tạo, đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng quy mô hiện nay là quá lớn, quá nhiều trường được mở ra ở các mức độ đào tạo nhưng nhiều trường hầu như không có người học. Trong khi quy mô đào tạo quá lớn thì khả năng sử dụng lao động lại thấp, lao động đào tạo càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng lớn.
Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu lao động không đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong GDP của công nghiệp và xây dựng tăng 82%, nông nghiệp từ 21% giảm xuống còn 17% nhưng cơ cấu lao động chuyển dịch lại quá chậm với tỷ trọng lớn lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Điều này càng chứng tỏ năng suất lao động nông nghiệp rất thấp.
Nhấn mạnh, đây là những mâu thuẫn cần được đề cập đến khi đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế và bàn về tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục cân nhắc, tính toán những vấn đề này để xây dựng và thực hiện tái cơ cấu cho hợp lý.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi- Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp tổ.
Tiếp tục thực hiện triệt để tái cơ cấu đầu tư công- tái cơ cấu doanh nghiệp- tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Theo đại biểu Quốc hội Đào Ngọc Dung- Thanh Hóa, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu vừa qua, tiếp theo phải xác định tái cơ cấu chuyển mạnh từ tăng trưởng theo chiều dọc sang tăng trưởng theo chiều sâu chủ yếu dựa vào tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tức tăng năng suất lao động; các yếu tố tổng hợp đặc biệt là phát triển khoa học công nghệ. Ngoài ra, cần khẩn trương khẩn trương cân đối lại thu chi ngân sách, tái cơ cấu đầu tư công, nợ công phải minh bạch, tập trung tổ chức lại ngân hàng, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập và cập nhật kịch bản biến đối khí hậu, tái cơ cấu nông thôn và chú trọng xuất trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh- Hậu Giang cho rằng trong giai đoạn 2016-2020 cần tiếp tục tập trung vào một số trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bởi đấy là những trọng tâm đang được triển khai thực hiện và cần tiếp tục thực hiện sao cho triệt để, thấy được hiệu quả thực tế.
Đại biểu Đặng Thế Vinh cũng đề nghị Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016- 2020 để có cơ sở giám sát và nâng cao hiệu lực thực thi.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Quang- Thanh Hóa xác định mục tiêu giai đoạn tới, cần tập trung để cơ chế thị trường quyết định phân bổ nguồn lực, Nhà nước hạn chế can thiệp. Xác định quan điểm tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng sự đóng góp của yếu tố năng xuất tổng hợp từ 30-35%; hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế và tuân theo cơ chế thị trường. Về nội dung kế hoạch tái cơ cấu, đại biểu đề nghị quyết liệt hơn mạnh dạn hơn trong triển khai thực hiện và xử lý tồn tại. Đổi mới cải cách doanh nghiệp nhà nước ko chỉ về chiều rộng mà còn chiều sâu. Tái cơ cấu thị trường tài chính cần phát triển thị trường tài chính theo hướng tăng thị trường vốn giảm thị trường tiền tệ. Nhấn mạnh tái cơ cấu thị trường của các nhân tố tham gia vào quá trình sản xuất như quyền sử dụng đất. Thực tế trong quá trình đánh giá tài sản để tái cấu trúc của các doanh nghiệp thì quyền sử dụng đất không được tính toán đúng mức dẫn đến thất thoát nguồn lực quốc gia. Vì vậy, phải có cơ chế cụ thể hóa, tính toán đúng mức, rà soát đất đai chưa sử dụng để đầu tư sản xuất mang lại nguồn lực quốc gia. Tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công cần thực hiện lỗ trình chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công theo cơ chế giá và phí.
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang- Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp tổ.
Băn khoăn về nguồn lực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế
Trong các phần phát biểu của mình, các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn trước việc huy động nguồn lực thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016- 2020. Đại biểu Bùi Sĩ Lợi đặt câu hỏi, nguồn vốn thực hiện tái cơ cấu sẽ huy động từ đâu khi ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp. Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cho rằng tái cơ cấu phải tạo ra nguồn lực để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước.
Bày tỏ lo ngại không đủ nguồn lực bảo đảm thực hiện tại cơ cấu, đại biểu Lê Minh Thông- Thanh Hóa nhấn mạnh lập kế hoạch tái cơ cấu phải tính đến tính khả thi của kế hoạch. Theo tính toán sơ bộ, so sánh giữa dự kiến nguồn lực thực hiện tái cơ cấu trong 5 năm, dự kiến tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước với mức thu ngân sách nhà nước hàng năm thì việc cân đối ngân sách nhà nước, bố trí nguồn lực thực hiện tái cơ cấu là rất khó khăn.
Theo kế hoạch trình Quốc hội, Chính phủ dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương khoảng 480 tỷ USD). Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương dự kiến khoảng 3.570 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 180 tỷ USD).
Về cơ cấu dự kiến vốn trong nước khoảng 75%, vốn ngoài nước khoảng 25%. Nguồn vốn FDI trong thời kỳ này dự kiến khoảng 1.462 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 68 tỷ USD). Nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016- 2020 cũng đạt khoảng 39,5 tỷ USD (các Bộ, ngành Trung ương khoảng 21 tỷ USD, các địa phương khoảng 18,5 tỷ USD với tổng số trên 1.203 dự án).
Thảo luận tại tổ số 7, các đại biểu cũng cho rằng dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế khoảng 480 tỷ USD là con số không hề nhỏ so với quy mô nền kinh tế GDP loanh quanh 200 tỷ USD và thu ngân sách chưa đến 50 tỷ USD của nước ta. Đại biểu Mai Hồng Hải- Hải Phòng bày tỏ băn khoăn con số lên đến 10 triệu tỷ là rất lớn và dự kiến huy động bên ngoài như Chính phủ dự kiến liệu có đảm bảo hay không?
Đại biểu Lê Thanh Vân- Cà Mau cho rằng, khi mà cân đối thu chi chưa bảo đảm, mỗi năm vẫn bội chi 5%, nợ xấu và nợ đọng xây dựng cơ bản không giải quyết được mà trong 5 năm tới mà huy động nguồn lực lớn như trên là rất đáng lo ngại, sẽ rất khó khăn cho Chính phủ để tìm cách giải quyết.
Nguồn: quochoi.vn