Đa số nạn nhân trong các vụ BLGĐ là người vợ, khi bị chồng đánh, vì không muốn người khác biết chuyện, sợ hàng xóm dị nghị nên nhiều chị em đã chịu đựng, không dám tố cáo. Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng ngày càng lớn dần, dẫn đến các vụ ly hôn. Chồng chị L.T.L, xã Quảng Sơn, mỗi lần đi nhậu về thường hay đánh vợ, làm các con sợ hãi. Chịu đựng một thời gian, chị tìm đến ĐCTC của thôn, các thành viên của ĐCTC đã đến nhà giải thích, phân tích cái hay, cái xấu, khuyên nhủ chồng chị L. Anh đã lắng nghe và hiện tại, cuộc sống gia đình ấm êm.
Đây chỉ là một trong những trường hợp BLGĐ mà “nạn nhân” tìm đến ĐCTC nhờ sự can thiệp. Đối với những trường hợp chị em bị bạo hành mà không thông báo, khi biết tin các thành viên cũng tìm đến can ngăn, hòa giải.
Toàn huyện có 41 ĐCTC ở 8 xã, thị trấn, đã tiếp nhận và giải quyết 52 vụ BLGĐ, chia sẻ và tư vấn nhiều vụ việc liên quan. Ngoài vận động, giải thích, chị em còn tuyên truyền cho các cặp vợ chồng nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống BLGĐ. Cùng với mô hình ĐCTC, Hội Phụ nữ huyện còn xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ khác như: CLB phòng, chống BLGĐ, CLB gia đình hạnh phúc…, nhằm tuyên truyền, giáo dục kiến thức bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình đến các cặp vợ chồng.
Không chỉ giải quyết các vụ việc BLGĐ, ĐCTC còn là nơi để chị em tìm đến chia sẻ khó khăn, niềm vui trong cuộc sống hằng ngày… Chị Dương Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện chia sẻ: Từ khi thành lập, ĐCTC mang lại hiệu quả rất rõ. Các vụ việc BLGĐ, ly hôn giảm nhiều. Quan trọng nhất là các ông chồng đã nhận thức và điều chỉnh hành vi sai trái của mình. Thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện sẽ tiếp tục duy trì, củng cố và phát huy hiệu quả của mô hình đến cộng đồng dân cư.
Minh Khai