(NTO) Ngày mới vào cơ quan làm việc, vốn tính ngay thẳng lại được cấp trên khuyến khích tôi vô tư góp ý kiến cho việc chung lẫn từng cá nhân. Dần dà để ý thấy số người thân thiện với mình ngày một giảm. Dò hỏi, được anh lớn tuổi giáo huấn: Mình phải dựa vào người khác để "sống", mọi người dựa vào nhau cùng sống thế là “cả làng đều vui”. Thì ra việc góp ý xây dựng lại làm ảnh hưởng đến người khác, họ buồn không thích mình. Đó là chuyện lâu lắm rồi, nay anh trưởng phòng cơ quan nhắc: Tháng này đánh giá phân loại năm công tác, anh em nhớ chín bỏ làm mười, ai ai cũng đạt lao động tiên tiến trở lên để cả phòng mình đều vui.
Nghe chuyện, đứa cháu gái tốt nghiệp đại học bằng đỏ được xét tuyển thẳng theo chế độ ưu tiên vào cơ quan phàn nàn: Cả làng đều vui, thế ra chúng ta dàn hàng ngang mà tiến à! Rồi cháu kể: Có lẽ đã thành lệ, cuối năm góp ý phê bình đánh giá mọi người thường giơ cao, đánh khẽ, phân loại, xét thi đua ai cũng được khen, không khí hoà bình đoàn kết là số một mà. Phòng cháu có chị giỏi làm kinh tế (chân ngoài), công việc được giao đến hạn mới làm và thực hiện qua loa cho có việc. Đã thế, chị ấy còn phổ biến cho những người xung quanh: Thời buổi này phải tự cứu mình, trông chờ vào tiền lương chỉ có nghèo rớt, việc cơ quan ư, cứ photocopy văn bản năm ngoái có nội dung tương tự hoặc sao y văn bản cấp trên chỉ đạo, sửa chút đỉnh rồi trình. Có người hỏi: Nếu cấp trên không đồng ý thì sao? Đơn giản, các vị làm lãnh đạo đương nhiên tài giỏi, để họ sửa! Chẳng thấy lãnh đạo sửa đâu, chỉ thấy họ chuyển lại cho chuyên viên khác thực hiện trong đó cháu luôn là người được chỉ định chữa cháy những trường hợp như vậy. Thế rồi yêu cầu nâng cao chất lượng tham mưu, cấp trên giao thời hạn hoàn thành, đánh giá kết quả hết sức cụ thể. Việc rà soát văn bản đến hạn, chất lượng văn bản được giao cho văn phòng theo dõi. Tại văn phòng điện tử (TD.Office) công việc gần đến hạn đèn vàng nhấp nháy, quá hạn đèn đỏ báo, văn bản chưa đạt yêu cầu được trả lại… là cơ sở để đánh giá chất lượng từng tập thể, cá nhân. Cơ quan ai ai cũng tất bật lo sao trên TD.Office của bản thân không có đèn đỏ, hạn chế tối đa văn bản bị trả nên họ làm việc không kể giờ, ở cơ quan hay nhà riêng miễn sao hoàn thành nhiệm vụ. Guồng máy đã khởi động nhưng không biết sao chị “chân ngoài” vẫn bình tâm vô sự. Ngày ngày đến cơ quan mọi người chỉ thấy cô ta sử dụng smartphone bấm bấm điều hành việc làm ăn riêng. Để giữ trong ấm ngoài yên trưởng phòng luôn phải chuyển việc đã phân công cho cô nhưng không đạt yêu cầu để người khác làm thay. Cuối năm họp xét đánh giá phân loại có thủ trưởng cơ quan dự, tập thể thống nhất xếp cô hoàn thành nhiệm vụ (loại B), cấp trên yêu cầu làm rõ những việc trọng tâm đã thực hiện, mức độ hoàn thành và rồi cô bị hạ xuống loại C. Anh em trong phòng cho rằng nếu xét đúng mức thì cô không hoàn thành nhiệm vụ nhưng châm chước để bản thân phấn đấu. Cứ tưởng cô đã nhận ra những yếu kém để khắc phục nhưng lại phản ánh với cấp trên rằng trưởng phòng không công minh, ưu ái người này, người nọ để rồi dù công việc của phòng hoàn thành xuất sắc nhưng trưởng phòng phải tự nhận đạt loại B. Có người chọc vui: Ngày xưa Lê Lai liều mình cứu Lê Lợi, nay có trưởng phòng… cứu lính và hết thời kế sách trong ấm ngoài êm không còn hữu dụng nữa.
Cả làng đều vui vì chúng ta là người duy tình. Bởi vậy việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hằng năm đã có quy định và cả chế tài cụ thể nhưng xem ra khó khả thi. Nếu không thật sự quyết liệt thì tỷ lệ người “cắp ô đi - về” trong các cơ quan vẫn chiếm đa số và người đức độ, tài giỏi khó phát huy hết năng lực, sở trường của mình để cống hiến cho đất nước. Đó là bài toán khó nhưng phải giải quyết, vấn đề là quyết tâm chính trị đã có nhưng giải pháp thực hiện như thế nào cho hiệu quả tuỳ thuộc vào những người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị. Và cả làng đều vui thực sự khi tập thể, cơ quan, địa phương mình có bộ máy tinh-hiệu quả đủ sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Thanh Tâm