Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và bền vững

(NTO) Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Ninh Thuận xoay quanh tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân tỉnh nhà.

Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí đánh giá thế nào về sự phát triển và hoạt động của cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh nhà?

Đồng chí Phạm Văn Hậu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Đồng chí Phạm Văn Hậu: Tỉnh ta hiện có trên 2.250 DN đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Nhìn chung, các DN hoạt động khá ổn định và đang trong quá trình vươn lên để hoàn thiện mình, thích ứng với cơ chế mới để hội nhập và phát triển. Điểm đáng chú ý của cộng đồng DN tỉnh ta hiện nay là tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trong đó, có một số DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thủy sản... đã phát huy năng lực sản xuất mới, đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh. Trung bình mỗi năm, các DN đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương chiếm khoảng trên 65% phần thu nội địa và giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động trong tỉnh.

Ngoài những đóng góp kể trên, hàng năm cộng đồng DN, doanh nhân trong tỉnh còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương. Đặc biệt, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của DN ngày càng được thể hiện khá rõ, nhất là trong việc ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về các sản phẩm đặc thù của tỉnh, như: nho, táo, thịt dê, thịt cừu... Bên cạnh đó, các DN còn tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức như hỗ trợ tiền mặt, vật liệu xây dựng để các địa phương có thêm nguồn lực xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Một số DN trong lĩnh vực thương mại tích cực tham gia Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm ổn định thị trường và kích cầu người tiêu dùng sử dụng hàng Việt rất hiệu quả, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thấy rằng, quy mô DN ở tỉnh ta vẫn còn nhỏ, mức vốn bình quân thấp, điều này làm hạn chế rất nhiều đến khả năng cạnh tranh của các DN. Không chỉ vậy, do trình độ quản lý của một số DN còn hạn chế, nên qua hậu kiểm còn không ít đơn vị vi phạm các quy định của Nhà nước như chưa quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động... Thậm chí có một số DN triển khai dự án quá chậm, làm ảnh hưởng đến kế hoạch chung của tỉnh...

 
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Phóng viên: Vậy, tỉnh đã có những quyết sách cụ thể gì để tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp theo chủ trương của Chính phủ về đổi mới DN trong tình hình hiện nay?

Đồng chí Phạm Văn Hậu: Quan điểm của UBND tỉnh là luôn quan tâm, ủng hộ hoạt động chính đáng, lành mạnh của các DN. Do vậy, trong định hướng phát triển, kêu gọi đầu tư, tỉnh áp dụng nhiều chính sách ưu đãi theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các DN có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng số DN tỉnh ta lên khoảng 3.500–4.000 DN, bình quân mỗi năm có từ 13-15% DN đăng ký thành lập mới, cuối tháng 5-2015, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2235/KH-UBND về việc hỗ trợ DN giai đoạn 2016–2020. Nội dung của Kế hoạch tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp chính, nhằm tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN phát triển. Qua đó, phấn đấu đến năm 2020, nâng tổng nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN chiếm khoảng 68-70% trên tổng số thu nội địa; tổng giá trị gia tăng của khu vực DN chiếm từ 28–30% trong tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) và các DN tạo việc làm mới cho khoảng 10% tổng số lao động trong toàn tỉnh.

Để làm được điều này, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung vào những giải pháp cơ bản để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống DN. Trước hết là nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, để đưa DN vào trật tự hoạt động mới. Tiếp tục đồng hành, chia sẻ và tạo sự bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, để DN phát triển thông qua Luật DN và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, việc tập trung xây dựng các kết cấu hạ tầng trọng điểm như giao thông, thủy lợi, lưới điện... là yếu tố cũng cần tính đến để thúc đẩy nhanh chương trình hợp tác phát triển với các tỉnh bạn. Mặt khác, tỉnh rà soát đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-DN, đối thoại trực tiếp với các DN... nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các đơn vị, tạo sức hấp dẫn cho giới doanh nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Phóng viên: Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, đồng chí có nhắn gửi điều gì đến các DN trong tỉnh?

Đồng chí Phạm Văn Hậu: Với tư cách là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách khối, tôi mong rằng các DN cần phát huy tốt tiềm năng của đơn vị; chủ động đổi mới công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý để tổ chức sản xuất phù hợp, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, cộng đồng DN, doanh nhân cần nắm chắc định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của DN mình. Chấp hành tốt quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động... Ngoài ra, các DN, doanh nhân cần có sự liên minh, liên kết và phải xác định được chữ “tín” để xây dựng thương hiệu riêng cho mình, nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch, sát với nhu cầu của DN, của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động của DN, góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Trịnh Thế Cường,

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Ninh Thuận:

Năm 2016, nhiều khó khăn, thách thức mang tính khách quan ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, sự hỗ trợ cao nhất của tỉnh dành cho DN đã giúp các doanh nhân, DN phát triển, góp phần xây dựng kinh tế tỉnh nhà vững mạnh.

Với mục tiêu “Đồng hành phát triển cùng doanh nhân, DN” tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với các doanh nhân, DN thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với DN khởi nghiệp, để có thế tăng trưởng và phát triển, theo ý kiến của tôi, tỉnh cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp để các DN khởi nghiệp có động lực làm việc, tăng trưởng và góp phần xây dựng kinh tế - xã hội cho tỉnh.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, thay mặt Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Thuận kính chúc quý doanh nhân, DN nhiều sức khỏe và thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận phát triển giàu mạnh!.n

Ông Đặng Thái,

Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận:

Qua 3 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của tỉnh. Chỉ tính trong 9 tháng năm nay, doanh thu đơn vị đạt 780 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch, nộp ngân sách 375 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 70 lao động với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Có được kết quả này, một phần là nhờ tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị trong quá trình hoạt động. Hiện công ty đã hoàn thành xây dựng Nhà máy thứ 2, với công suất 80 triệu lít/năm, chuẩn bị đưa vào vận hành và sản xuất thử. Nếu hoạt động hết công suất, ước tính mỗi năm công ty sẽ đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 1.000 tỷ đồng. Mong rằng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng Khu Công nghiệp Thành Hải theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển bền vững n

Ông Nguyễn Lâm Danh,

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam:

Vài năm trở lại đây, tỉnh ta đã có nhiều chính sách đãi ngộ dành cho DN khá tốt. Đây là một trong những yếu tố căn cơ, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển. Cụ thể, đơn vị chúng tôi nhờ được ưu đãi về thuế, vốn vay, nhất là việc tạo điều kiện để đơn vị tìm kiếm các vùng sản xuất mới, thay thế cho các vùng đất sản xuất khô hạn, không hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, hoạt động của đơn vị vẫn duy trì ổn định, với mức tăng trưởng hàng năm đạt 10%. Riêng trong 9 tháng, đơn vị đạt doanh thu hơn 76 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Dự báo những năm tiếp theo, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán. Vì vậy, chúng tôi cho rằng ngoài các chính sách ưu đãi như hiện nay, tỉnh nên có các giải pháp hiệu quả về thủy lợi, giải quyết vấn đề nước tưới, giúp sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển n

Bà Hồ Thị Thu Hồng,

Giám đốc Công ty Cổ phần May Tân Tiến:

Công ty Cổ phần May Tân Tiến thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 11-2014, đến nay có 200 lao động, chủ yếu là người địa phương. Dù mới thành lập chưa lâu, nhưng điều tâm đắc của chúng tôi không chỉ đơn thuần là lợi nhuận, mà hơn thế nữa là tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Trong năm 2016, công ty đề ra kế hoạch sản xuất 150.000 sản phẩm, doanh thu ước đạt 600.000 USD. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của đơn vị là chưa có cơ sở sản xuất ổn định. Do vậy, điều duy nhất chúng tôi mong muốn là tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty trong việc được thuê đất lâu dài để xây dựng nhà xưởng. Ngoài ra, tỉnh cần có những chính sách ưu đãi cho các DN mới khởi nghiệp như đơn vị chúng tôi được hưởng các chính sách về thuế, vốn vay…, giúp các DN mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh để ngày càng phát triển.