Nhìn lại “bức tranh" kinh tế của tỉnh 9 tháng 2016

(NTO) Có thể nói, từ đầu năm đến nay tỉnh ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, dẫn đến hạn hán xảy ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế chung của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và đời sống người dân, tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh… Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ và sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế.

 
Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa hè - thu bằng máy gặt đập liên hợp.

Nhìn tổng thể “bức tranh” kinh tế của tỉnh 9 tháng qua cho thấy ngày càng được điểm tô thêm những mảng màu sáng, với chỉ số tăng trưởng hầu hết các nhóm ngành đều “dương”. Đơn cử như: giá trị sản xuất các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm “âm” 3,4% thì đến hết tháng 9 đã tăng 1,2%; công nghiệp tăng 3,1%; giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt tăng 70,1%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 10,2% so cùng kỳ... Cụ thể, về lĩnh vực nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống hạn, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, đồng thời chỉ đạo điều tiết nước hợp lý, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình nắng hạn, bảo đảm nước tưới cho vụ đông - xuân và hè - thu… Nhờ đó, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt trên 52.626 ha, vượt 32,4% kế hoạch, tăng 14,7% cùng kỳ; đáng nói là thực hiện chủ trương của tỉnh, các địa phương đã chuyển đổi gần 2.040 ha đất lúa sang các cây trồng cạn, tiêu thụ ít nước, vượt 32,7% kế hoạch. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ, một số mô hình sản xuất có hiệu quả, tiết kiệm nước tiếp tục được triển khai và nhân rộng. Về chăn nuôi, đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về thức ăn, nước uống, di chuyển địa bàn và phòng chống dịch bệnh, nên tổng đàn gia súc, gia cầm quý III tăng mạnh, tính chung 9 tháng tăng 10,8%... Những kết quả trên đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành trồng trọt tăng; chăn nuôi có dấu hiệu phục hồi.

 
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình hạn hán, diện tích đất canh tác phải dừng sản xuất trên 15.000 ha, làm chết hơn 5.290 con gia súc... dẫn đến thiệt hại ngành Nông nghiệp 9 tháng 184,7 tỷ đồng.

Sản xuất thủy sản thực sự khởi sắc trong quý III do thời tiết và ngư trường khá thuận lợi, mặc khác, năng lực tàu thuyền công suất lớn tăng nhanh cũng góp phần giúp ngư dân nâng cao sản lượng khai thác để “bù” lại sụt giảm trong 6 tháng đầu năm. Tính chung 9 tháng ước đạt 70.838 tấn, tăng 1,9%, riêng quý III khai thác đạt gần 37.830 tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ. Sản xuất tôm giống có bước phục hồi, sản lượng ước đạt 16 tỷ con, tăng 7,8%...

Lĩnh vực Công nghiệp có dấu hiệu phục hồi sau nhiều tháng khó khăn. Có 14 nhóm ngành hàng duy trì ổn định và có tăng nhẹ, các ngành hàng chủ lực, đóng góp lớn cho tăng trưởng đã đạt công suất ổn định, nên giá trị sản xuất ngành Công nghiệp quý III tuy có tăng cao hơn 6 tháng đầu năm, nhưng tính chung 9 tháng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.

 
Diêm dân xã Tri Hải (Ninh Hải) áp dụng công nghệ trải bạt trong sản xuất muối.

Các ngành Dịch vụ như thương mại tiếp tục duy trì tăng trưởng với chỉ số tăng 12,8% so cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh du lịch 9 tháng đã thu hút trên 1,62 triệu lượt khách, tăng 16,5% so cùng kỳ và đạt 98,4% so kế hoạch năm, trong đó khách trong nước tăng 18,1%, khách quốc tế tăng 16,5% so cùng kỳ…

Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh phải kể đến hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn. Trong 9 tháng qua, các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các quy định về lãi suất huy động và giảm dần lãi suất cho vay, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng với Doanh nghiệp góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư… Đến cuối tháng 9, dư nợ huy động ước đạt 8.680 tỷ đồng, tăng 5,48% và dư nợ cho vay ước đạt 14.200 tỷ đồng, tăng 13,78% % so với cuối năm 2015.

 
Một góc Khu nghỉ mát Amanơi (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải). 

Về đầu tư của các thành phần kinh tế, với chủ trương thu hút, mời gọi các nhà đầu tư lớn có uy tín, có thương hiệu… đã nhận được quan tâm của không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong 9 tháng, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương địa điểm cho 47 dự án, với tổng vốn đăng ký 8.932 tỷ đồng; đồng thời tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành các quy định mới về thu hút, xét chọn, giám sát, xử lý các dự án đầu tư theo hướng tăng cường tính công khai, công bằng, minh bạch trong thực hiện. Đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo làn sóng đầu tư mới, động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Tại Hội nghị đã trao quyết định chủ trương đầu tư, chủ trương địa điểm và công nhận chủ đầu tư 8 dự án, với tổng vốn 11.050 tỷ đồng; đồng thời ký thỏa thuận hợp tác với một số nhà đầu tư chiến lược. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo làm tốt công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh với nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tích cực…

 
Nông dân thôn Phước An (xã Phước Vinh, Ninh Phước) thu hoạch ớt xuất khẩu đạt giá trị sản xuất gần 200 triệu đồng/ha/vụ.

Những kết quả đạt được trong 9 tháng qua như đã nêu trên tuy chưa thật toàn diện trên các lĩnh vực, nhưng sẽ là cơ sở để toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay.