Dễ trồng, mang lại hiệu quả cao...
Được biết, cây nha đam bắt đầu được trồng ở tỉnh ta từ khoảng năm 2002. Nha đam là cây trồng cho thu hoạch lâu năm, đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian trồng khoảng 6 tháng, nha đam bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó cứ mỗi tháng thu hoạch một lần. Bình quân một ha nha đam cho thu hoạch 30 đến 35 tấn bẹ tươi/năm, với giá từ 800-1.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm người trồng nha đam có lãi khoảng 120 triệu đồng/ha. Nhận thấy cây nha đam mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với vùng đất cát và nắng, lại dễ trồng nên nông dân tỉnh ta mạnh dạn mở rộng diện tích trồng nha đam. Hiện nay, nha đam được trồng rải rác trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở các phường Văn Hải, Mỹ Hải và Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm), Phước Vinh (Ninh Phước).
Người dân đang sắp xếp nha đam, chuẩn bị đóng thùng để thương lái đến vận chuyển.
Có mặt tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), vùng đất cát, giờ đây được phủ một màu xanh của nha đam. Là người gắn bó với cây nha đam lâu năm, anh Trần Văn Thạch (khu phố 2, phường Mỹ Bình) chia sẻ: Gia đình có trên 2 ha nha đam. Với chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng/ha, năng suất khoảng 40 tấn/ha và giá bán từ 800-900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 240 triệu đồng/năm, giúp gia đình cải thiện đời sống.
Không riêng gì gia đình anh Quân, nha đam còn là “đòn bẩy” giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Thành Quân (khu phố 2, phường Văn Hải) cho biết: Có thời điểm giá nha đam lên đến 2.200 đồng/kg, bình quân mỗi sào nông dân thu lãi trên 20 triệu đồng/tháng nên không ít nông dân “đổi đời’ từ nha đam.
Cần đầu ra ổn định!
Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đầu ra sản phẩm vẫn là bài toán đang cần lời giải. Toàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm hiện có 118 ha cây nha đam, tăng gần 14 ha so với năm 2015. Tuy diện tích nha đam tăng so với thời kỳ mới trồng, nhưng giá nha đam bấp bênh có lúc cao nhất trên 2.000 đồng/kg, có khi xuống chỉ còn 300 đồng/kg. Lý giải cho việc giá cả không ổn định, chị Trương Thị Tố Trinh, Phó Trưởng phòng Kinh tế Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Hiện nay, hầu hết nha đam trên địa bàn thành phố đều được thu mua thông qua thương lái. Các thương lái vận chuyển nha đam từ tỉnh ta đi TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai hoặc lên Đà Lạt (Lâm Đồng) tiêu thụ. Tùy theo thị trường tiêu thụ nên thương lái dễ dàng “ép giá” nông dân.
Nhằm liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con, các ngành chức năng đã tạo điều kiện để nông dân ký kết với Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Đến nay, chỉ có vài hộ ký kết với doanh nghiệp với diện tích không đáng kể. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Hậu, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt cho biết: Do bà con không giữ uy tín, lúc bán, lúc không gây khó khăn cho Công ty khi thu mua. Vì vậy, Công ty phải thu mua nha đam thông qua các thương lái. Hiện nay, bình quân, mỗi ngày Công ty thu mua từ 30 tấn - 50 tấn nha đam, với giá khoảng 1.500 đồng/kg. Do không trực tiếp thu mua nên Công ty không quản lý được giá thương lái mua với nông dân. Nhằm đảm bảo nguồn hàng để sản xuất, Công ty đã chủ động trồng 20 ha nha đam ở địa bàn xã Phước Vinh (Ninh Phước). Thời gian tới, Công ty mong muốn bà con chủ động hợp tác lâu dài với doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho hộ trồng.
Mong rằng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm cầu nối giúp nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau. Với những hiệu quả kinh tế mang lại, nếu đảm bảo được đầu ra ổn định cho sản phẩm, chắc chắn cây nha đam sẽ trở thành cây trồng “giảm nghèo” cho nông dân tỉnh ta.
Duy Nam