Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ: Đổi mới cách nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh

(NTO) Được thành lập cách đây gần 40 năm, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu, Ninh Phước) được xem là một trong những HTX làm ăn hiệu quả tại địa phương. Nhờ sự năng động và tâm huyết của Hội đồng quản trị, HTX đã giúp cho nhiều hộ nông dân khó khăn có điều kiện để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Bắt đầu chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới từ tháng 3-2016, HTX Trường Thọ đã bắt tay cải tổ lại bộ máy hoạt động theo Luật HTX 2012, với 15 thành viên, bình quân mỗi thành viên đóng góp 10 triệu đồng để đầu tư dịch vụ, sản xuất, kinh doanh. Chuyển sang HTX kiểu mới, ngoài hoạt động dịch vụ nông nghiệp, HTX còn mở thêm ngành nghề xây dựng và thủy lợi nội đồng. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX Trường Thọ, cho biết: Sự thay đổi lớn nhất của HTX khi chuyển đổi theo luật mới chính là thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý và hoạt động như một doanh nghiệp. Ở đó, lợi ích của thành viên đều như nhau, mỗi quyết định, mỗi thay đổi đều có sự thông qua của tất cả thành viên hướng đến sự gắn kết cần thiết để phát triển HTX. Thành viên của Hội đồng quản trị phải được sự tín nhiệm cần thiết, thể hiện bằng năng lực, sự sáng tạo trong chiến lược kinh doanh, từ đó mới giúp cho HTX có được sự thích nghi trong giai đoạn mới. “Tuy mới chuyển đổi sang HTX kiểu mới chưa lâu, hiệu quả cũng chưa thấy rõ nhưng tôi tin rằng đây là một làn gió mới tạo động lực cho HTX Trường Thọ nói riêng và các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung phát triển vươn lên, trở thành động lực cho kinh tế vùng nông thôn phát triển”-ông Nguyễn Thành Anh kỳ vọng.

 
Nông dân thôn Trường Thọ thu hoạch lúa vụ hè-thu.

Để tìm ra hướng đi mới, HTX đã đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng đều tăng cao. Hiện HTX đang sản xuất trên diện tích 101ha, trong đó có 91ha lúa và 10ha táo, nho. Đặc biệt, HTX đã triển khai hiệu quả 50ha mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm” cho năng suất cao hơn từ 10-15 tạ/sào, tổng doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi thành viên khoảng trên 2 triệu đồng/tháng. Theo ông Nguyễn Thành Anh, việc chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới không phải là không có những khó khăn, mà rào cản lớn nhất vẫn là vốn. “Nếu không có vốn để đầu tư phát triển thì chẳng khác nào “bình mới nhưng rượu cũ”, vì để đầu tư từ đầu đến cuối và thu mua nông sản thì cần số vốn trên 1 tỷ đồng, nhưng đối với HTX thì không có đủ số vốn trên mà phải đi vay. Tuy nhiên, vay vốn không hề đơn giản khi ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, trong khi đó HTX không có tài sản gì giá trị cao, mà muốn có vốn thì các thành viên phải tín chấp bằng tài sản của gia đình, điều này chắc chắn là không ai đồng ý vì sợ rủi ro”-ông Nguyễn Thành Anh phân tích.

Bên cạnh nguồn vốn, một khó khăn khác của HTX Trường Thọ đó là sự hiểu biết và tin tưởng của nông dân đối với HTX kiểu mới chưa thật sự cao, vẫn còn tâm lý e dè, ngại tham gia, bằng chứng là khi còn mô hình HTX kiểu cũ thì HTX Trường Thọ có tổng cộng 260 xã viên, nhưng chuyển qua hoạt động theo Luật HTX năm 2012, hiện chỉ còn 15 thành viên. “Những người tham gia HTX chủ yếu là các hộ kinh tế còn khó khăn vì họ không có vốn lớn ban đầu để đầu tư về giống, phân bón, khâu thu hoạch, tất cả những khâu trên đều được HTX hỗ trợ, chờ bán nông sản sẽ trả nợ HTX, còn những hộ có “của ăn, của để” đều không tham gia HTX vì đa số đều tự chủ được và sẽ không phải trả những chi phí phát sinh”-ông Nguyễn Thành Anh cho biết.

Để HTX Trường Thọ nói riêng và các HTX khác nói chung phát triển, ông Nguyễn Thành Anh mong muốn chính quyền các cấp cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ các HTX vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, để HTX kiểu mới thực sự là “luồng gió” mới cho kinh tế tập thể, quan trọng nhất vẫn là sự năng động sáng tạo của Hội đồng quản trị và các thành viên để tìm ra hướng đi thích hợp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo có lãi và thực sự là “bà đỡ” cho nông dân địa phương.