“Nông trường nho” ở Thành Sơn

(NTO) Ở thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải), bà con nông dân thường gọi vùng đất nơi đây là “nông trường nho”. Sở dĩ có tên gọi như vậy, bởi vì trước đây vùng đất này vốn là nông trường bông. Theo những người cao niên ở đây kể lại, khoảng năm 1977, cây bông vải có mặt tại địa phương nhưng đến năm 1989, nhận thấy cây trồng này giá trị kinh tế không cao nên nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp. Từ năm 2000 đến nay, cây nho xanh được nông dân ưa chuộng và chọn trồng, diện tích ngày càng phát triển, dần trở thành vùng “nông trường nho”.

Ông Đào Xuân Tiếp, một trong những người có diện tích trồng 1,1ha nho xanh NH 01-48 được xem là “nhất, nhì” ở vùng này, chia sẻ: Khoảng năm 2000, nho xanh chỉ xuất hiện “manh mún” ở đây. Từ năm 2010 trở lại đây, do hiệu quả kinh tế của cây nho xanh mang lại cho người trồng khá cao nên diện tích ngày càng tăng. Đến nay, trong vùng đi đâu cũng thấy một màu xanh của nho trải dài.

 
Cây nho xanh được trở thành cây trồng chủ lực của nông dân thôn Thành Sơn. Ảnh: V.M

Dạo quanh một vòng trong thôn, chúng tôi nhìn thấy hàng trăm giàn nho xanh “nối đuôi” dày đặc, xen kẽ lẫn nhau, cùng với đó, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng. Hướng tới Lễ hội Nho và Vang-Ninh Thuận 2016, nông dân trồng nho tại địa phương đang tất bật chăm sóc cho kịp thu hoạch sản phẩm nho phục vụ tại lễ hội. Dừng xe tại một vườn nho, một chủ nho vui vẻ, kể: Ở vùng đất này, chỉ có cây nho xanh là thích hợp do có chân đất cà giang dày, cộng với thời tiết thích hợp nên trái nho to và có vị ngọt thanh. Thường thì một năm bà con chỉ làm 2 vụ nho (đông-xuân và hè-thu), theo tính toán, một sào cho thu hoạch khoảng 3-4 tấn nho/vụ. Trao đổi với ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải, chúng tôi được biết, hiện nay, diện tích trồng nho xanh trên địa bàn toàn xã trên 86,5ha, tập trung nhiều nhất ở thôn Thành Sơn trên 72ha, số còn lại được trồng ở các thôn An Xuân 1, 2, 3 và thôn An Hòa.

Theo khảo sát của Phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải, giống nho xanh NH 01-48 được coi là “nữ hoàng” rất thích hợp trồng ở thôn Thành Sơn. Vì đất ở vùng này chứa hàm lượng kali cao, nên người trồng không phải bón nhiều phân, nhưng cây nho vẫn cho quả ngọt, màu đẹp… Cũng theo lãnh đạo xã Xuân Hải, giống nho xanh

NH 01-48 được nông dân ở đây trồng nhiều và đạt năng suất rất cao. Trong những năm gần đây, để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm nên xã đã vận động các hộ nông dân trồng nho áp dụng theo hướng VietGAP, đến nay thôn Thành Sơn đã thành lập được 5 tổ trồng nho VietGAP, với 48 thành viên tham gia. Bên cạnh đó, để giảm chi phí đầu tư, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật, năm 2012, Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn thành lập mô hình “Vần đổi công”. Với mô hình này, trong 1 vụ sản xuất (4 tháng), mỗi chị em đóng góp, giúp nhau từ 180-190 công, qua đó giúp mỗi hộ tiết kiệm chi phí sản xuất gần 20 triệu đồng/vụ (bình quân 100 ngàn đồng/ngày).

Rời khỏi “nông trường nho” Thành Sơn, trên con đường nội thôn được bê-tông khang trang, chúng tôi tin rằng không bao lâu nữa vùng trồng nho nơi đây sẽ là “thủ phủ” nho xanh của tỉnh nhà. Và cây nho là cây trồng chủ lực để nông dân vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.