Chương trình diễn ra tại hội trường UBND xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) dưới hình thức như một “diễn đàn” nhỏ, có sự tham gia của 3 NST trồng chuối trên địa bàn xã Lâm Sơn và 1 NST trồng chuối của xã Phước Bình (Bác Ái); đại diện Cơ sơ chế biến chuối sấy khô Minh Châu (xã Xuân Hải, Ninh Hải) và 1 hộ kinh doanh đã có liên kết với các NST thông qua Quỹ Cạnh tranh DN (CBG) và Quỹ Tài trợ dự án cạnh tranh nhỏ (CSG) thuộc Dự án HTTN. Ngoài ra còn có đại diện các cơ quan thực thi Dự án như: Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) của huyện Ninh Sơn và Bác Ái.
Tại “diễn đàn”, ông Vũ Minh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, kiêm Giám đốc Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh nêu lên một số mặt được và chưa được trong việc liên kết thu-mua sản phẩm giữa các NST trồng chuối và hộ kinh doanh ở xã Lâm Sơn thời gian qua. Từ đó nhấn mạnh mục đích của chương trình “Con đường tri thức” lần này chính là lắng nghe và tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các NST trồng chuối, tạo liên kết chặt chẽ để phát triển bền vững chuỗi giá trị thế mạnh về cây chuối cho các địa bàn miền núi nằm trong vùng hưởng lợi của Dự án HTTN và tăng giá trị kinh tế cho người trồng chuối.
Tham quan thực tế mô hình trồng chuối giống cấy mô của hộ ông Nguyễn Ngọc Sơn, thôn Tầm Ngân 2 (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn)
khi tham gia Dự án HTTN.
Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là giá cả, thị trường tiêu thụ chuối tươi còn bấp bênh, theo thời vụ và phụ thuộc nhiều vào giá thu mua của thương lái bên ngoài, dẫn đến tình trạng liên kết giữa NST với cơ sở thu mua do Dự án HTTN kết nối gần như bị “phá vỡ”. Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng NST trồng chuối thôn Tầm Ngân 2 (xã Lâm Sơn) cho rằng:
Có 2 nguyên nhân, một là do hoạt động sản xuất theo nhóm còn khá mới mẻ đối với nông dân địa phương vì đa phần là đồng bào Raglai ở đây có thói quen tự sản xuất, tự bán sản phẩm nên bản thân NST chưa kết nối được với các hộ thành viên trong khâu cùng thu hoạch, cùng bán cho một đầu mối. Hai là, thời điểm thu hoạch chuối của các hộ trong NST là thời điểm thị trường chuối sứ tươi “hút hàng”, giá cam kết thu mua của hộ kinh doanh mà Ban Phát triển xã kết nối với nhóm thấp hơn với giá thương lái mua. Từ sự chênh lệch giá như vậy nên nhiều hộ đã bán cho thương lái bên ngoài. Đại diện hộ kinh doanh trên địa bàn, bà Lê Hồng Phương Thảo nêu ý kiến: Việc hợp tác sản xuất với các NST trồng chuối nhằm giúp cải thiện đầu ra cho nông sản nhưng vì yếu tố giá cả thị trường chi phối nên việc liên kết giữa cơ sở và người trồng chuối khá khó khăn. Cam kết mua giá 7.000 đồng/kg nhưng chuối trái không đều, buộc phải thu có chọn lọc và nếu thu “đánh đồng” thì chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. Do đó, bà con có sự so sánh và tìm nơi giá cao để bán. Qua ý kiến của các đại biểu, Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh đã chỉ ra mấu chốt của vấn đề là cần thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thị trường bằng việc liên kết thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo từng vụ sẽ hài hòa lợi ích của cả 2 bên người sản xuất và người thu mua. Theo đó, nông dân yên tâm đầu tư, mở rộng diện tích; cơ sở thu mua yên tâm về nguồn hàng nguyên liệu.
Anh Đổng Đại Khương, chủ cơ sở chế biến chuối sấy khô Minh Châu (xã Xuân Hải, Ninh Hải) cho biết: Tham gia Dự án HTTN với tư cách là đối tác liên kết các NST trồng chuối, cơ sở được Quỹ CBG hỗ trợ xây nhà xưởng và một số máy đóng gói, máy sấy chuối. Cũng thông qua Dự án, cơ sở đã kết nối với các NST ở Phước Bình và Phước Tiến (Bác Ái) để bao tiêu đầu ra cho khoảng 10ha, với số lượng thu mua 30 tấn/tháng, giá bao tiêu là 4.300 đồng/kg. Hiện tại, ngoài các tỉnh, thành phố trong nước thì thị trường tiêu thụ của cơ sở đã mở rộng ra một số quốc gia như Nga, Ucraina… do đó, nhu cầu mỗi tháng của cơ sở lên đến 54 tấn chuối tươi. Do đó, để có nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất thì cơ sở mong muốn liên kết với các NST ở xã Lâm Sơn dưới hình thức bao tiêu cả đầu vào (đầu tư ban đầu) và đầu ra cho sản phẩm.
Chia sẻ điều thu nhận được qua chương trình “Con đường tri thức” lần này, nhiều nông hộ trồng chuối ở 4 NST có chung một cảm nhận: Không chỉ chuyển giao kỹ thuật canh tác và tiếp thêm nguồn vốn để người dân đầu tư sản xuất mà Dự án HTTN còn là “cầu nối” để nông sản làm ra có được nguồn tiêu thụ ổn định, giúp bà con tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Diễm My