Ông Trần Đồng Quý, thành viên Ban Phát triển xã, cho biết: Dựa trên phương pháp xác định chuỗi giá trị ưu tiên và định hướng của DASU huyện, Ban Phát triển xã đã cùng với người dân ở 6 thôn lựa chọn, xác lập được 7 chuỗi giá trị ưu tiên, trên cơ sở đó thành lập 45 nhóm cùng sở thích (NST) với 559 hộ tham gia, trong đó có 140 hộ nghèo và 178 hộ cận nghèo. Riêng chuỗi giá trị chăn nuôi, toàn xã thành lập được 7 NST nuôi bò , 6 NST nuôi dê và 7 NST nuôi cừu.
Nhóm sở thích chăn nuôi cừu ở Nhơn Hải được dự án hỗ trợ vốn mua cừu sinh sản.
Quá trình triển khai các chuỗi giá trị chăn nuôi, Ban Phát triển xã mở 7 lớp tập huấn cho nông dân và thành viên các NST kỹ thuật chăm sóc, thú y, phòng bệnh, kết hợp đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi. Dự án HTTN cũng đã trực tiếp hỗ trợ con giống, xây dựng chuồng trại, máy cắt ủ thức ăn gia súc cho các NST, đồng thời định hướng liên kết, tìm kiếm thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm chăn nuôi. Đơn cử như thông qua Quỹ CSG thuộc Dự án HTTN, có 3 NST nuôi cừu ở các thôn Khánh Phước, Khánh Nhơn 2 và Mỹ Tường 1 được hỗ trợ gần 300 triệu đồng mua cừu nái sinh sản nhằm tạo sinh kế cho các hộ nghèo và cận nghèo trong nhóm. Quỹ CDF hỗ trợ sửa chữa 35 chuồng bò và 55 chuồng dê, cừu với kinh phí 470 triệu đồng, đồng thời đầu tư con giống cho 6 NST nuôi bò triển khai dự án nuôi bò sinh sản. Về đầu tư kết cấu hạ tầng chung từ nguồn vốn hỗ trợ của dự án, xã đã thi công và đưa vào sử dụng nhiều tuyến giao thông quan trọng phục vụ chuỗi giá trị chăn nuôi như: Năm 2013, dự án đầu tư bê-tông 500m đường đi vào khu chăn nuôi thôn Mỹ Tường 1, với kinh phí 600 triệu đồng. Năm 2014, tiếp tục bê-tông 508m đường vào khu chăn nuôi bò, dê, cừu thôn Khánh Nhơn 1, với kinh phí 570 triệu đồng. Năm 2015, bê-tông 2 tuyến đường đi vào khu chăn nuôi thôn Khánh Phước, với tổng chiều dài 1.085m, kinh phí 1,77 tỷ đồng và bê-tông 1 tuyến đường nội đồng thôn Mỹ Tường 2, phục vụ chăn nuôi, với chiều dài 500m, kinh phí 900 triệu đồng.
Đánh giá tác động của việc đầu tư, phát triển các chuỗi giá trị về chăn nuôi ở địa phương, đồng chí Phạm Khắc Hào, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Phát triển xã, nhìn nhận: Trong triển khai thực hiện các hợp phần của Dự án HTTN, việc phát triển chuỗi giá trị giữ vai trò quan trọng, tạo ra các dịch vụ dựa trên nhu cầu thực tế, gắn kết các hộ nghèo, cận nghèo, với cơ hội tiếp cận thị trường. Với mục tiêu đó, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ từ Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã triển khai đầy đủ nội dung, kế hoạch đề ra; đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, tạo liên kết giữa các NST chăn nuôi của địa phương với doanh nghiệp, cam kết cung cấp con giống tốt, thu mua với giá ổn định và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thú y cho hộ nuôi, giúp các nông hộ tạo dựng kinh tế bền vững và lâu dài. Mặt khác, tác động của đầu tư, phát triển chuỗi giá trị về chăn nuôi cũng góp phần giải quyết được một số vấn đề cấp thiết của Nhân dân như xây dựng các đường giao thông; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về vốn đầu tư ban đầu, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế một cách bền vững. Đặc biệt là phần hưởng lợi quan trọng mà Dự án HTTN mang lại cho địa phương trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Diễm My