Quỹ CSG hỗ trợ phát triển các nhóm sở thích ở Ninh Hải

(NTO) Dự án Hỗ trợ Tam nông triển khai trên địa bàn huyện Ninh Hải từ năm 2011, gồm 3 xã hưởng lợi trực tiếp là Nhơn Hải, Tân Hải và Vĩnh Hải. Với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nâng chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến những hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số thông qua nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau. Riêng Quỹ Tài trợ dự án cạnh tranh nhỏ (CSG) được vận hành từ năm 2014 đã tạo ra các cơ hội sinh kế cho các nhóm đồng sở thích (NST) và các tổ hợp tác khu vực nông thôn. Qua bước đầu triển khai, nguồn hỗ trợ của Quỹ CSG đã mang lại một số kết quả đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện, đến nay, Quỹ CSG đã đầu tư gần 2,9 tỷ đồng cho 29 tiểu dự án thuộc các chuỗi giá trị thế mạnh của địa phương về trồng trọt và chăn nuôi (gồm bò, cừu, dê, gà, vịt, táo, hành, tỏi và lúa), giúp 28 NST triển khai các mô hình sản xuất theo nhóm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, duy trì được nguồn vốn để tái sản xuất và mở rộng quy mô. Cụ thể, trong năm 2014, Quỹ CSG giải ngân được 630 triệu đồng cho 6 NST và 1 hộ kinh doanh; năm 2015, giải ngân gần 2,2 tỷ đồng cho 23 NST. Đến tháng 4-2016, DASU huyện thực hiện các cuộc giám sát cuối kỳ, đánh giá hiệu quả đầu tư tài chính và mức độ năng lực sản xuất của các NST.

 
Quỹ CSG tài trợ vốn cho thành viên nhóm đồng sở thích trồng tỏi thôn Mỹ Tường 1 (Nhơn Hải, Ninh Hải) trồng tỏi an toàn.

Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ninh Hải, cho biết: Quá trình triển khai giải ngân nguồn vốn từ Quỹ CSG, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các NST kỹ năng hoạt động nhóm, sản xuất nhóm; tổ chức hội thảo, nhân rộng 4 mô hình sản xuất nho, táo, tỏi theo quy trình VietGAP, 3 mô hình lúa “1 phải, 5 giảm”; 3 mô hình chăn nuôi gà thương phẩm; 9 mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo; 2 mô hình kinh tế tổng hợp và 1 mô hình kinh doanh kết hợp chăn nuôi. Kết quả có 340 hộ (trong đó có 223 hộ nghèo và cận nghèo) hưởng lợi trực tiếp từ dự án về cây, con giống; máy móc, vật tư nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; tiếp cận thị trường… Các NST thực hiện hoạt động mua sắm chung, trả bằng tiền mặt, tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 20%; áp dụng quy trình sản xuất an toàn cho người nông dân và nông sản; chất lượng sản phẩm đồng đều; hưởng lợi được bao tiêu sản phẩm với giá chênh lệch, từ đó nâng cao thu nhập.

Không chỉ hỗ trợ trực tiếp vốn để sản xuất, Quỹ CSG cũng đã kết nối nông dân với một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm từ lúa, nho, táo, hành, tỏi cho đến thịt dê, cừu, bò, heo đen… như: Hợp tác xã Gò Đền, trang trại Lê Duy Tuấn, cơ sở thu mua nông sản Nghĩa Lại, cơ sở sản xuất và kinh doanh Thiên Thảo, cơ sở chế biến thực phẩm Viết Nghi… Ngoài ra còn phải kể đến tác động từ Quỹ CSG nói riêng, Dự án Hỗ trợ Tam nông nói chung, đã giúp các hộ đồng bào dân tộc Raglai bước đầu làm quen cách sản xuất tập thể theo nhóm, biết xoay vòng vốn tái sản xuất, tích lũy được kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.