Thông qua phát triển chuỗi giá trị bò, nhiều hộ dân ở xã Phước Tiến có cơ hội thoát nghèo.
Phước Tiến là xã miền núi đặc biệt khó khăn, toàn xã có 998 hộ/4.115 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Raglai chiếm 86%. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do đất đai khô cằn, trình độ canh tác lạc hậu, nên tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm hơn 58%. Thời gian qua, thực hiện các chương trình ưu đãi của Nhà nước đối với vùng núi, xã đã hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình trồng trọt có hiệu quả. Cụ thể, mô hình luân canh lúa nước đã nâng cao năng suất từ 3 tấn lên 6 tấn/ha, góp phần khắc phục tình trạng thiếu lương thực thời điểm giáp hạt ở địa phương; mô hình trồng mỳ cao sản, bắp lai xen canh cây đậu xanh đã nâng cao được giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Tuy vậy, các chương trình chưa tạo được chuyển biến mạnh. Để hướng tới giảm nghèo nhanh và bền vững, xã xác định tập trung khai thác tối đa lợi thế vùng núi để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho bà con. Cuối năm 2014, trên cơ sở triển khai các hợp phần của Dự án Hỗ trợ Tam nông, Ban Phát triển xã xác định và xếp thứ tự ưu tiên các chuỗi chiến lược, nhất là chuỗi giá trị nuôi bò. Điểm nổi bật trong thực hiện chuỗi giá trị đã lựa chọn là Ban Phát triển xã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm, trực tiếp đầu tư chuyển giao khoa học-công nghệ cho các hộ chăn nuôi phát triển chuỗi. Kết quả, đến nay, có 80% hộ dân nắm được kỹ thuật chế biến, ủ thức ăn dự trữ cho gia súc, đảm bảo duy trì và phát triển đàn kể cả trong mùa nắng hạn.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Cách làm thể hiện tính linh hoạt, sáng tạo của Ban Phát triển xã trong phát triển chuỗi giá trị nuôi bò là hướng các hộ thực hiện mô hình cây trồng cạn kết hợp tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi. Tính đến nay, có 240 hộ, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo tham gia các lớp tập huấn phục vụ chuỗi giá trị bắp và chuỗi giá trị nuôi bò. Sau tập huấn, các hộ xây dựng mô hình chuyên canh trồng bắp lai, xây dựng 8 cây rơm dự trữ thức ăn gia súc, có tác dụng nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Điều đáng ghi nhận, trong phát triển chuỗi giá trị nuôi bò là Ban Phát triển xã đã làm tốt vai trò cầu nối để các tổ, nhóm chăn nuôi liên kết với các doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm; đồng thời, cung cấp giống bò chất lượng cao để phát triển chuỗi giá trị. Thực hiện kế hoạch hành động nâng cao chuỗi giá trị đã được xây dựng, Ban Phát triển xã cũng đã vận động thành lập 6 nhóm cùng sở thích nuôi bò, sử dụng có hiệu quả các quỹ hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế. Cụ thể, Quỹ CSG đã hỗ trợ 2 nhóm cùng sở thích nuôi bò ở thôn Đá Bàn và Trà Co 2, số tiền gần 200 triệu đồng mua 20 con bò vỗ béo, tạo sinh kế cho 20 thành viên thuộc đối tượng nghèo. Cũng từ hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị, có gần 300 hộ được tiếp cận các quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò, khắc phục tập quán chăn nuôi lạc hậu trước đây. Nhờ đó, một số hộ nghèo đã thoát nghèo và hỗ trợ lại cho các hộ khác phát triển chăn nuôi, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong cộng đồng như hộ Pi Long, Chamaléa Vũ (thôn Đá Bàn), Pinăng Quyết, Pinăng Thị Ngánh (thôn Trà Co 2), Pinăng Manh (thôn Suối Rua).
Anh Tùng