Hiệu quả từ Quỹ CDF nhìn từ vùng dự án Ninh Sơn

(NTO) Trong số các tiểu hợp phần của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) được biết đến với mục tiêu cung cấp nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng công cộng, phát triển năng lực con người và hạ tầng sản xuất, trang thiết bị cho các nhóm đồng sở thích, tổ hợp tác và đầu vào sản xuất để đẩy mạnh sự tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất. Qua “kênh” hỗ trợ của CDF, đến nay, nhiều địa phương trong vùng dự án Ninh Sơn đã tạo được bộ mặt mới ở vùng nông thôn.

Theo đó, kể từ khi Dự án HTTN đi vào hoạt động đến tháng 6-2016, toàn huyện Ninh Sơn đã có ít nhất 46 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Quỹ CDF và đã đi vào hoạt động. Qua đánh giá chung của DASU huyện, các công trình sau khi đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhiều vùng sản xuất phát triển. Riêng trong năm 2015, trên địa bàn huyện Ninh Sơn có đến 25 công trình được đầu tư xây dựng, với tổng nguồn vốn 16,3 tỷ đồng. Trong đó, 7 công trình xây dựng nâng cấp đường sá, với tổng chiều dài trên 3.240m đường được cứng hóa; 17 công trình kênh mương với tổng chiều dài hơn 9.560m và 1 đường lưới điện dài 900m được đầu tư phục vụ chủ yếu cho chuỗi bắp, lúa, mía, mì, bò. Theo thống kê của DASU huyện, tổng số người dân được hưởng lợi từ các công trình xây dựng trong vùng dự án hơn 7.890 hộ, trong đó đối tượng hộ nghèo, cận nghèo 3.948 hộ, chiếm 50,5%; hộ dân tộc thiểu số 2.700 hộ, chiếm 34,2%.

 
Từ nguồn hỗ trợ Quỹ CDF, người dân xã Quảng Sơn xây hầm biogas đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhìn chung, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh, được sự hưởng ứng và hài lòng của người dân địa phương, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ CDF, tính đến nay, Ban Phát triển của 6 xã trong vùng dự án đã trực tiếp hỗ trợ 330 con bò cái, 16 con bò đực, 217 con cừu, 146 con dê, 196 tấn giống mía, 2.500 con gà, 2.120 cây chuối sứ cấy mô, 1 máy gặt đập liên hợp, 10.971kg cỏ giống, hơn 9.300 loại cây ăn quả các loại; xây dựng 79 chuồng bò, 30 chuồng heo, 25 hầm biogas, với tổng số hộ được hưởng lợi là 965 hộ. Trong đó, đối tượng là hộ dân tộc thiểu số 459 hộ, chiếm 47,6%; hộ nghèo, cận nghèo 629 hộ, chiếm 65,2%; phụ nữ 345 hộ, chiếm 35,8%. Theo kết quả rà soát, đánh giá mức độ hài lòng về sự hỗ trợ của dự án, 100% số hộ được hưởng lợi đều hài lòng về sự hỗ trợ hạ tầng sản xuất của dự án từ nguồn Quỹ CDF.

Song song đó, Quỹ CDF còn hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho người dân. Có thể nói, đây được xem là hoạt động “chìa khóa” để giúp người dân trong vùng dự án, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận các kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự lực phát triển sản xuất, kinh doanh sau khi dự án kết thúc, nhằm nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho gia đình.

Tính từ đầu dự án đến tháng 5-2016, Ban Phát triển các xã đã tổ chức 140 lớp tập huấn, hội thảo, tham quan, đào tạo nghề cho hơn 4.830 lượt nông dân. Trong đó, số phụ nữ tham gia 1.984 lượt, chiếm 41,1%; hộ nghèo, cận nghèo 2.502 lượt, chiếm 51,8%; dân tộc thiểu số 1.565 lượt, chiếm 32,4%. Điểm mới trong công tác tập huấn và được xem đã thành công đối với nhiều địa phương, đó là gắn tập huấn với thực hành hiện trường, lồng ghép doanh nghiệp dạy nông dân nên kiến thức truyền đạt cho người dân thực tế hơn, thực hành hiện trường giúp người dân nắm vững kiến thức và áp dụng vào thực tế tốt hơn rất nhiều.

Qua 5 năm thực hiện Dự án HTTN, bộ mặt nông thôn mới của nhiều xã trong vùng dự án Ninh Sơn đã khởi sắc hơn, đời sống người dân cũng từng bước được cải thiện. Qua đánh giá tác động ngắn hạn của dự án, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 28,16% (năm 2011) xuống còn 13,04% (cuối năm 2015), giảm 2.399 hộ, bình quân mỗi năm giảm 2-3%.