VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Không “đánh cược” với môi trường!

(NTO) Có thể nói vấn đề bảo vệ môi trường trước sự phát triển kinh tế gần đây được dư luận “đặc biệt” quan tâm và đưa ra bàn thảo khá sôi nổi trên nhiều diễn đàn bởi theo các chuyên gia thì hiện nay môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng!. Để minh chứng cho điều này, theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải ngày/đêm, 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Cả nước cũng có trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế hằng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại, hơn 125.000m3 nước thải y tế, có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý. Không những vậy, hàng năm, nông dân cả nước còn sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại... Đặc biệt, thời gian qua một số dự án FDI như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men... gây ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế. Nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp... nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư…

Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân… Chỉ thị nêu rõ, việc thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, chú trọng tiêu chí môi trường trong lựa chọn dự án đầu tư. Kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp, phản biện, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; chủ động cung cấp thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường...

Có thể nói, Chỉ thị nêu trên của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chặt chẽ môi trường. Bằng quyết tâm “nói đi đôi với làm”, tin rằng môi trường sẽ ngày càng trong lành, “song hành” với phát triển nền “kinh tế xanh”!.