Triển khai các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(NTO) Một trong những rào cản thu hút đầu tư của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2016, đó là môi trường đầu tư của tỉnh vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Thuận mới chỉ xếp hạng thứ 42/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thấp hơn các tỉnh lân cận: Lâm Đồng xếp thứ 21; Bình Thuận 26, Khánh Hòa 27. Nâng cao Chỉ số PCI đang là nhiệm vụ trọng tâm, được tỉnh ta đặt ra hàng đầu hiện nay.

Cán bộ Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) hướng dẫn các doanh nghiệp lập thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Văn Miên

Theo kết quả đánh giá, năm 2015, PCI của tỉnh có cải thiện đáng kể, tăng 0,57 điểm, tăng thứ hạng 1 bậc so với năm 2014, tuy nhiên vẫn có 5/10 chỉ số giảm điểm và thứ hạng, tăng 2 chỉ số so với năm 2014 (tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh và cạnh tranh bình đẳng) làm ảnh hưởng đến điểm số, thứ hạng PCI chung và kỳ vọng môi trường kinh doanh đầu tư của tỉnh. Qua phân tích các chỉ số PCI thành phần năm 2015 cho thấy, doanh nghiệp (DN) còn phản ánh về thái độ chưa nhiệt tình trong giải quyết công việc cho DN của cán bộ các cấp; thủ tục hành chính nói chung và về thuế nói riêng đã được cải thiện nhưng vẫn còn phức tạp và chưa thật sự tốt; việc tiếp cận tín dụng và đất đai còn khó khăn; một số hoạt động, dịch vụ hỗ trợ của tỉnh đối với DN chưa được đánh giá cao; DN chưa hài lòng về chất lượng nguồn nhân lực lao động của tỉnh.

Trước những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ngày 31-8-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 3542/KH-UBND về triển khai chương trình hành động nâng cao Chỉ số PCI cấp tỉnh năm 2016.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Một trong những điểm mới của Kế hoạch 3542/KH-UBND là UBND tỉnh phân công cụ thể và giao trực tiếp cho lãnh đạo các sở, ngành chịu trách nhiệm chính trong việc cải thiện chỉ số thành phần PCI. Yêu cầu người đứng đầu các ngành, các cấp chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ môi trường kinh doanh của tỉnh, trong đó tập trung cải thiện các Chỉ số PCI thành phần liên quan đến nhiệm vụ của ngành, địa phương mình theo dõi, quản lý. Cải thiện môi trường kinh doanh trên cơ sở quyết tâm cải thiện những chỉ số thành phần cạnh tranh còn thấp và giảm điểm năm 2015, như: Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh và cạnh tranh bình đẳng. Phấn đấu đưa Ninh Thuận vào nhóm tỉnh có điều hành tốt trong khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và vào nhóm điều hành khá nói chung của cả nước trong thời gian đến.

Để thực hiện được mục tiêu trên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Các ngành, địa phương cần quán triệt và triển khai nội dung Chỉ thị 17-CT/TU ngày 26-7-2016 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI; Kế hoạch 3542/KH-UBND, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI; xác định phấn đấu việc cải thiện các Chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực tập trung thực hiện đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng… theo hướng dễ hiểu, dễ thực hiện đối với DN, nhằm giảm bớt chi phí thời gian của DN; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ DN thực hiện các thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc của DN trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách thuế, tín dụng để DN phát triển kinh doanh tại tỉnh. Tăng cường chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và DN.