Chuyện “khen và nịnh”

(NTO) Chuyện xưa kể rằng: Có viên quan mặc áo vạt trước ngắn, vạt sau dài, ai cũng ngạc nhiên, nhưng khi hắn gặp quan trên cúi mình chào thì mọi người mới vỡ lẽ cười mỉm bởi hắn thuộc hàng cao thủ “thông minh”!? Ngẫm chuyện xưa, bà mẹ dặn cậu con trai trước khi vào làm việc ở cơ quan: Ở đời ai cũng thích khen, vậy nên con đừng có chê ai, nhất là đối với sếp thì chỉ có khen, nhớ đấy!

Ngày đầu tiên lạ lẫm đến công sở làm việc, nhớ lời mẹ dặn, gặp ai cậu cũng cúi đầu chào hỏi, mong được chỉ bảo giúp đỡ. Cậu chẳng bao giờ góp ý phê bình ai nhưng nếu ai góp ý phê bình mình thì bao giờ cậu cũng nhã nhặn xin tiếp thu và cảm ơn. Chỉ sau thời gian ngắn, mấy anh chị trong cơ quan, kể cả người lớn tuổi bậc cha chú đều có chung nhận xét: Thằng nhỏ nhanh nhảu, mới hơn tháng mà đã làm quen hết mọi người trong cơ quan, chẳng bù cho tụi mình cả năm công tác chỉ biết mặt, chưa biết hết tên từng người trong đơn vị. Không chỉ lễ phép trong cư xử, cậu còn là người biết chịu khó nghiên cứu học tập từ tài liệu của cơ quan, học hỏi những người đi trước, nắm bắt thực tiễn và nhận làm bất cứ công việc gì do cấp trên phân công hoặc anh chị cùng phòng nhờ làm giúp. Nhờ vậy, cậu trở thành nhân vật nổi bật thường được cấp trên lấy làm gương về trách nhiệm thực thi công vụ cho những người khác. Nhiều người trong cơ quan ngưỡng mộ cậu bởi năng lực làm việc hiệu quả và tinh thần hiệp tác giúp đỡ đồng nghiệp.

Chưa đầy năm năm sau, từ chuyên viên cậu được đề bạt bổ nhiệm chức phó phòng, phó phòng phụ trách rồi trưởng phòng và được bổ sung vào dự nguồn quy hoạch sếp phó của cơ quan. Lượng đổi chất đổi, trưởng phòng trẻ nhất tỉnh nên cái gì cũng phải nhất. Công việc chuyên môn giờ cậu giao hết cho hai phó phòng phụ trách, phần mình chủ yếu lo quan hệ “đối ngoại”. Hàng năm đánh giá phân loại chất lượng cán bộ, bình xét khen thưởng tất tần tật cậu phải là người có phần cao nhất. Chưa đầy mười năm công tác nhưng cậu đã có thành tích đáng nể, được Chủ tịch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đối với cấp trên, cậu hết sức chu đáo, luôn biết cách làm vừa lòng sếp. Ví như họp Hội đồng cơ quan bình xét khen thưởng, bao giờ cậu cũng là người có ý kiến đầu tiên, sau khi nói về thành tích của cơ quan thường kèm theo lời thòng là nhờ có sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát và quyết liệt của sếp… rồi tiếp theo là gì ai cũng biết. Ngày tết nguyên đán, nhà sếp trưởng, sếp phó dù cách xa hơn năm chục ki-lô-mét nhưng vợ chồng cậu không quản nắng gió chở nhau bằng xe máy đến thăm chúc tết gia đình sếp. Anh em cơ quan biết chuyện khen cậu là con người “nghĩa tình”. Được cấp trên tin tưởng, lại là đối tượng dự nguồn sếp phó của cơ quan nên việc "cúi đầu chào hỏi, mong được chỉ bảo giúp đỡ” giờ đây không thấy cậu sử dụng nữa. Có lẽ con đường thăng tiến của cậu sẽ rải đầy hoa hồng nếu như không có cái chuyện khen thưởng… Chẳng là phòng cậu có anh cán bộ tham gia kháng chiến chống Mỹ, bốn mươi năm tuổi Đảng, đầu năm tới đến tuổi nghỉ hưu. Cơ quan quy định mỗi phòng chọn một cá nhân đề nghị tỉnh khen thưởng năm công tác. Mọi người thấy anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng chẳng bao giờ nhận khen thưởng và thống nhất bình chọn đề xuất tỉnh khen thưởng. Bản thân trưởng phòng cũng thống nhất cao với tập thể, nhưng lúc báo cáo trước Hội đồng Thi đua-Khen thưởng cơ quan thì danh sách lại là chính mình. Không may cho cậu, có người biết chuyện để lộ và cơ quan ai nấy đều bất ngờ bởi hành vi của người mà trong tương lai gần sẽ là sếp của họ.

Ở đời ai chẳng thích khen, lời bà mẹ dặn cậu con trai hoàn toàn đúng với cuộc sống. Thế nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó, mình không xứng đáng mà bằng mọi thủ đoạn để được khen thì ắt sẽ có ngày “gậy ông đập lưng ông”. Và ai đó dùng khen để nịnh chiếm cảm tình của cấp trên, mưu cầu lợi ích riêng sẽ có hại cho sự phát triển của xã hội. Hành vi đó là cực kỳ nguy hiểm đối với nhân cách, mạng sống của con người chân chính, làm xói mòn đạo đức, kỷ cương của xã hội. Tuy vậy, những người như thế vẫn tồn tại bởi thực tế vẫn còn vô số người thích nghe những lời tâng bốc, lời khen nịnh bợ. Vậy nên, khi ta khen ai đó phải sao cho đúng bản chất giúp người được khen phát huy cái tốt, cái đẹp phục vụ xã hội, phục vụ Nhân dân và nên chăng cảnh giác với lời khen!