CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Chuyện người - Chuyện ta!

(NTO) Hôm rồi có người quen đi du lịch ở Nhật về và “món quà” mang cho bè bạn là những câu chuyện kể về “xứ sở mặt trời mọc”. Chuyện hay cũng có, ví như nhịp sống công nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân Nhật nên “ứng xử” trong cuộc sống cũng nhanh, chính xác không kém, chứ không như ở ta cứ “cà rịch cà tang”, giờ giấc “dây thun” hết biết... Chuyện “dở” cũng không thiếu, đó là nhận xét chủ quan của bạn tôi thôi!. Trong những câu chuyện “làm quà”, có chuyện mà bạn tôi tâm đắc đó là ý thức tiết kiệm quá... tuyệt vời của nhiều người Nhật. Chuyện là, trong một lần cùng một số người thân vào một nhà hàng để ăn tối. Món ăn thì nhiều nhưng chọn món gì?. Theo thói quen như ở ta, giao mỗi người chọn một món, vậy là trong nhóm 8 người chọn đến 8 món. Chuyện bình thường thôi nhưng điều “lạ” là nhân viên nhà hàng lại nhẹ nhàng “tư vấn” nên chọn ít thôi, nhiều thì 4 món để vừa đủ ăn, nếu không sẽ lãng phí do không ăn hết, quan trọng là đủ lượng calo cần thiết cho từng người không nên quá thừa dễ... sinh bệnh!. Trong nhóm có người cảm thấy... khó chịu vì cho rằng chọn nhiều món để ăn cho biết, nhưng nhiều người đồng tình và phục cách kinh doanh của người Nhật, không vì lợi nhuận mà lãng phí.

Ngẫm lại ở ta mới thấy cách làm của họ là... khác người. Bởi lẽ, hầu hết các nhà hàng, quán ăn đều có “thói quen” kêu ít thì làm nhiều, hay “tư vấn” để khách kêu thật nhiều món dù ai cũng biết là không sao “tiêu” hết được. Tất nhiên, nhiều món đồng nghĩa với phải trả nhiều tiền. Đó là chưa nói đến tiếp khách của các cơ quan, doanh nghiệp. Tâm lý chung là cứ kêu nhiều món, món ăn càng đắt tiền thì lòng “hiếu khách” mới “đậm đà khó quên”!. Trong các món ăn có món thực khách chỉ “đụng đũa” lấy lệ, vậy là kết thúc bữa tiệc nhìn trên bàn thức ăn còn thừa mứa phải bỏ đi. Biết lãng phí đó nhưng như nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là sự lãng phí... cần thiết!.

Từ một việc nhỏ của xứ người ngẫm lại xứ ta rõ ràng là có nhiều điều cần “ngộ” ra. Tiết kiệm trong cuộc sống đâu phải là việc gì to tát mà chính là từ thay đổi thói quen khi có dịp tiếp khách hay đi nhà hàng cùng bè bạn. Cần “thực dụng”, đừng “ăn bằng mắt” để rồi lãng phí trong khi có không ít người trong xã hội còn nhiều khó khăn!.