Chuyện "Nhà có hai người"

(NTO) Này, đố ông nhà có mấy người?. Đang nhâm nhi cà phê, thằng bạn bất chợt hỏi, nghe vô lý tôi hỏi lại: Nhà hay gia đình? Nếu gia đình thì cứ đến từng hộ hỏi sẽ rõ. Hắn cười mỉm, ông dân luật cứ hay bắt bẻ, thôi thì nhà ông có mấy người? Chà hắn ẩn ý gì đây, tôi hỏi lại: Theo ông thì mấy người?. Hắn đắc ý rung đùi: Thế mới có chuyện để mà nói chứ, nhà ông có hai người.

Rồi hắn kể, rằng láng giềng của mình là gia đình ông bà Hai, nay họ gần tám mươi tuổi. Có điều, một trong hai cụ vắng nhà thì chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng ở bên nhau một tuần mà không có chương trình “hát đối” do hai bác phát chắc buồn chết. Có điều kỳ lạ, không ai nhường ai mà họ có đến bảy tám mặt con, lại còn ở với nhau đến nay gần tám chục tuổi. Bà con xung quanh góp ý thì cụ ông bảo chỉ tại bà nhà tôi nói không chịu nghe, còn cụ bà thì “ổng lúc chê tôi, lúc đòi tiền để làm gì chẳng biết, già sinh tật…”. Đang lúc bạn say sưa, tôi xen vào: Dân gian xưa đã dạy, một già-một trẻ con bằng nhau, các cụ tuổi gần đất xa trời hờn dỗi là chuyện bình thường, có gì lạ. Hắn tỏ vẻ không bằng lòng: Chưa đến hồi kết ông đã nhận xét, rồi hỏi xoáy “thế vợ chồng ông đã lúc nào có “chiến tranh” chưa?”. Thú thực, vợ chồng đôi lúc cũng phải tiếng qua, tiếng lại mới có chất men say chứ, tôi nói cứ như được lập trình sẵn. Hắn chẳng thèm để ý, rồi tiếp tục: Tụi trẻ giờ phân loại cuộc sống vợ chồng theo trạng thái “nhà có bom và không có bom”. Cứ như đứa cháu mình, lấy vợ, sinh cậu con trai đầu lòng thật kháu khỉnh, họ hàng ai cũng khen chúng là đôi trai tài, gái sắc. Thế nhưng lâu lâu thằng cháu lại chạy đến xin ý kiến cậu mợ, nó than “vợ con như bom nổ chậm”!? Có lần, hắn chơi thể thao rồi vui bạn nhậu khuya mới về, bấm chuông để vợ ra mở cổng nhưng vợ nó ra nhìn chẳng nói năng gì, rồi khóa cửa quay vô nhà ngủ. Cu cậu đành vượt rào vào, cả đêm ngủ ở tiền sảnh nhà, đã thế sáng sớm vợ dựng dậy cho bài học: Thứ đàn ông ham nhậu nhẹt, hư! Mấy ngày sau đó, vợ chồng chẳng ai nói với ai, may có thằng bé nối họ với nhau. Cháu hỏi mình làm sao đây cậu? Nghe mình chỉ cách, nó mời mẹ vợ lên trông con giúp, rồi hỏi: Thằng tỉnh chơi thằng say được không mẹ? Mẹ vợ bảo đương nhiên là không được, nhờ vậy mẹ nó giúp hòa giải.

Cứ tưởng sẽ rút ra bài học, ai dè hơn tháng sau lại đến nhà năn nỉ: Cậu mợ cứu con, cháy nhà đến nơi rồi? Thấy cháu vẻ thảng thốt, bà xã mình nhắc nhở: Hai đứa đã là cha, là mẹ rồi sao hết “bom” lại đến “cháy nhà”, vợ chồng có gì cùng nhau bàn bạc, giải quyết cho êm nhà, êm cửa. Hắn vội thanh minh: Dạ, con cũng nhường nhịn hết mức nhưng vợ con nó chẳng buông tha. Rồi khai: Hai vợ chồng đi chợ, có cô gái quen lâu ngày gặp chào cháu, hỏi thăm mấy câu, về nhà vợ hỏi: Ai, khai mau, lâu hay mới? Đã thành tâm khai báo nhưng cô ấy không tin còn véo tai, túm tóc kéo… thấy không ổn cháu bỏ chạy, cô ấy đuổi theo túm áo hụt ngã úp xay xát một bên má mới thành to chuyện. Nghe xong, vợ mình đẩy thêm: Phụ nữ xinh đẹp như vợ con mà mặt mũi trầy xước, bầm tím thì coi như xong rồi. Hắn như người hết hồn năn nỉ: Thôi thì trăm sự nhờ mợ giúp lần này. Chẳng biết tối đó qua nhà, bà xã mình nói gì với đứa cháu dâu mà vợ nó biểu: Lần này tha, nếu tái phạm thì xin quý ông ở một mình nhé! Sau này, thi thoảng hai vợ chồng nó cũng có chuyện to, nhỏ nhưng thằng cháu mình hết dùng từ “bom”, “chiến tranh”, nó biểu nếu căng quá cứ xin “chào thua” là xong hết.

Chuyện ứng xử giữa vợ chồng hằng ngày tưởng như đơn giản, thực ra vô cùng khó. Mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình có vô vàn chuyện xảy ra nhưng không có một chuẩn mực nào quy định về ứng xử giữa vợ chồng. Nhất là những cặp vợ chồng trẻ thì kỹ năng ứng xử với nhau hầu như chưa được trang bị, dẫn đến việc chồng xem vợ như “bom” hoặc vợ xem thường chồng dẫn đến đưa đơn ly hôn là tất yếu. Theo số liệu của ngành Tòa án TP. Hồ Chí Minh, năm 2015 có khoảng 40% các cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn (tăng gấp đôi so với năm 1998). Trong đó, tỷ lệ phụ nữ đâm đơn ly hôn cao gấp 2 lần so với đàn ông. Trái với trước đây, các vụ ly hôn đàn ông đâm đơn chiếm đa số. Hậu quả gia đình tan vỡ và người thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ do chính họ tạo ra. Gia đình là tế bào của xã hội, việc chia tay của mỗi cặp vợ chồng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội. Nhà có hai người (vợ-chồng) quyết định sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình. Vậy nên mỗi người cần học cách ứng xử, tôn trọng lẫn nhau, biết chăm lo vun vén cho hạnh phúc gia đình. Vợ-chồng luôn yêu thương, quan tâm đến nhau để tuy hai người nhưng là một. Có như vậy thì ngôi nhà hôn nhân mới thực sự bền vững!