(NTO) Vấn đề thực phẩm an toàn luôn là câu chuyện dài và “nóng” bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân thông qua bữa ăn thường nhật, thậm chí có người còn lo lắng cho rằng sẽ ảnh hưởng đến cả giống nòi!. Vậy là câu hỏi thường xuyên được người dân đặt ra cho ngành chức năng đó là làm thế nào để giải tỏa được nỗi lo không còn phải “tiêu thụ” thực phẩm không an toàn mặc dù sự hiểu biết, “cảnh giác” của người dân... được “nâng cao” nhưng cũng không sao lường hết vì ngay cả cơ quan chức năng có đủ điều kiện, phương tiện nhưng cũng không thể kết luận được ngay tại chỗ là “sạch” hay “không sạch”, huống chi chỉ với mắt thường làm sao biết được!...
Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Thực ra, một số địa phương trong cả nước đã có những cách làm hay, sáng tạo trong việc quản lý nhằm bảo đảm một số thực phẩm tươi sống có độ an toàn cao, nghĩa là không nhiễm, tồn dư thuốc trừ sâu, không sử dụng các chất cấm, kháng sinh để làm tăng trọng trong chăn nuôi heo nhưng độc hại, hay nói khác hơn là tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng thường xuyên. Đơn cử như tổ chức quày bán hàng thực phẩm an toàn tại các chợ với quy định sản phẩm được đưa đến bán phải có nguồn gốc, xuất xứ và được cơ quan chức năng chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Hay như thịt gia súc, gia cầm người bán phải cam kết là không sử dụng các chất cấm, kháng sinh trong quá trình nuôi, quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh theo quy định, được cơ quan thú y chứng nhận... Mới đây, qua thông tin báo chí, Tiền Giang có mô hình bán thịt heo “không có chất cấm” được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh. Cách làm là: Chi cục Thú y tỉnh xây dựng mô hình quày bán thịt heo kiểu mẫu “không có chất cấm” tại các chợ với yêu cầu các cơ sở bán thịt này được ngành Thú y quản lý, giám sát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi tại các hộ dân đến khi mổ thịt tại các cơ sở giết mổ, đảm bảo không có chất cấm...
“Trông người lại ngẫm đến ta”, được biết theo chỉ đạo của tỉnh, ngành chức năng tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi không sử dụng chất cấm, kháng sinh... nhưng liệu họ có thực hiện nghiêm túc hay chỉ làm hình thức và trông chờ vào sự “tự giác”, lương tâm của người chăn nuôi đối với cộng đồng?. Thực trạng cũng cần quan tâm là có tình trạng “hợp thức hóa” việc "kiểm soát" thú y đối với thịt heo bán tại một số chợ bằng cách cán bộ thú y cơ sở đến từng quày thịt “đóng dấu” thú y là xong, còn thực tế như thế nào thì người tiêu dùng chịu!.
Nêu ra câu chuyện trên không ngoài mong muốn các đơn vị chức năng suy ngẫm để có những cách làm thiết thực hơn là chỉ dừng lại việc kiểm tra, xử phạt... để rồi gọi là làm tốt... trách nhiệm!.
TD