Ngày 19/7, tại Đà Nẵng, Ủy ban quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn (VINASARCOM) phối hợp Trường đào tạo cao học Hải quân Hoa Kỳ tổ chức hội thảo hợp tác phòng chống và ứng phó với thảm họa. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương-PP 2016.
Theo đó, từ ngày 19-21/7, các diễn giả, chuyên gia hải quân Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế sẽ trình bày các phương pháp ứng phó thảm họa cấp quốc gia, những bài học kinh nghiệm tốt nhất về ứng phó thảm họa và hạn hán của Việt Nam, vai trò của ASEAN trong công tác ứng phó thảm họa khu vực…, qua đó nâng cao hiểu biết cho cộng đồng về phòng chống thảm họa và xây dựng mạng lưới ứng phó thảm họa giữa các quốc gia.
Hội thảo là cơ hội trao đổi những kiến thức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp. Riêng tại khu vực Thái Bình Dương trong vòng 10 năm trở lại đây là tâm điểm của thiên tai và thảm họa. Do đó, việc cùng nhau chia sẻ thông tin, những kinh nghiệm hay, những biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu giữa các quốc gia là hết sức cần thiết.
Chương trình ứng phó thảm họa có tầm cỡ lớn từ cấp chính phủ và cộng đồng quốc tế, vì thế, nếu có thảm họa ở một nơi nào trên thế giới thì có sự phối hợp của Liên Hợp Quốc, các chính phủ và cộng đồng quốc tế.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, trong những năm qua, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu luôn được Thành phố tăng cường rà soát hằng năm, từng bước được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và các khu dân cư, đặc biệt trong các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với 6 kịch bản thiên tai; trong đó đặc biệt là xây dựng được phương án ứng phó với cấp siêu bão.
Qua hội thảo này, Đà Nẵng mong muốn được học hỏi kinh nghiệm do các chuyên gia quốc tế chia sẻ, bên cạnh đó, Thành phố chú trọng nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về tự bảo vệ, biết cách ứng phó với thiên tai.
Sau hội thảo, các Đối tác Thái Bình Dương-PP 2016 sẽ tham gia cuộc diễn tập xử lý khủng hoảng tại Đà Nẵng. Nội dung cuộc diễn tập bao gồm: Công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, ứng phó ở mức độ khu vực và quốc gia, y tế bờ biển, tìm kiếm và cứu trợ hàng hải.
Trước đó, ngày 15/7, tàu bệnh viện của Hoa kỳ USNS Mercy (T-AH19) và tàu Hải quân Nhật Bản JSDS Shimokita (LST-4002) đã cập cảng Tiên Sa để khởi động chương trình Đối tác Thái Bình Dương tại Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn