Huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực xã hội

(NTO) Trong những năm qua, công tác huy động nguồn lực xã hội hóa (XHH) đầu tư vào lĩnh vực xã hội được tỉnh ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhanh, mạnh và bền vững.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác XHH, tập trung vào các ngành Giáo dục, Y tế, Văn hóa. Các ngành, các cấp, các đoàn thể và đông đảo nhân dân ngày càng nâng cao nhận thức về XHH, tích cực, sáng tạo trong tham gia công tác XHH, chủ động xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình, dự án XHH. Đặc biệt từ năm 2008 đến nay, thực hiện Nghị định 69/NĐ-CP ngày 30-5-2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường và Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/NĐ-CP, công tác XHH ở lĩnh vực xã hội đã đạt được nhiều kết quả.

 
Giờ sinh hoạt của các bé Trường Mầm non Ánh Sáng.Ảnh: Uyên Thu

Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án vào lĩnh vực khuyến khích XHH, với tổng vốn đầu tư 554,2 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương 1 dự án, với tổng mức đầu tư 3,9 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án lĩnh vực đào tạo; 6 dự án về giáo dục nghề nghiệp; 1 dự án về y tế; 1 dự án về văn hóa và 3 dự án về thể thao. Đến nay, đã có 10/19 dự án đi vào hoạt động, một số dự án đang triển khai tiến độ xây dựng. Qua kiểm tra, khảo sát, hầu hết các dự án hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh phát triển. Điển hình như XHH đầu tư vào trường Mầm non trong lĩnh vực giáo dục, trong thời gian qua, tỉnh ta đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án, với tổng kinh phí đầu tư 51,7 tỷ đồng. Đến nay, đã có 5/6 dự án đi vào hoạt động, mỗi năm tạo điều kiện cho 1.350 trẻ em dưới 6 tuổi theo học, giải quyết việc làm gần 150 giáo viên mầm non và người lao động tại 5 dự án này. Ở lĩnh vực y tế, tỉnh ta đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Bệnh viên Sài Gòn-Phan Rang (Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ) với kinh phí đầu tư trên 80 tỷ đồng, với quy mô 100 giường bệnh. Dự án Bệnh viện Sài Gòn-Phan Rang hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến cuối năm khi đi vào hoạt động đáp ứng một phần nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, giảm tải bệnh nhân cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả nhất định, song kết quả thu được từ chủ trương XHH cũng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, vận động thực hiện XHH chưa tạo được sự đổi mới đồng bộ trong nhận thức của cán bộ và Nhân dân về chủ trương XHH. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực XHH còn bất cập, lúng túng cả trong định hướng, quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Kinh tế-xã hội của địa phương còn khó khăn, vị trí địa lý không thuận lợi; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu của người dân chưa nhiều nên chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Đặc biệt, một trong những vướng mắc hiện nay trên lĩnh vực kêu gọi XHH đầu tư vào lĩnh vực xã hội, chính là ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa thể đền bù, giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho nhà đầu tư hoặc hỗ trợ nhà đầu tư về kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực XHH. Để giải quyết vấn đề này, giữa tháng 6-2016, trong báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện chính sách khuyến khích XHH theo Nghị định 69/NĐ-CP, UBND tỉnh đã kiến nghị với Bộ Tài chính: Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư chủ yếu do Trung ương hỗ trợ. Do vậy, Bộ Tài chính quan tâm báo cáo Chính phủ xem xét có cơ chế hỗ trợ ngân sách Trung ương cho tỉnh để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án, như vậy chính sách XHH ở tỉnh Ninh Thuận sẽ hiệu quả hơn.

Mục tiêu giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta tiếp tục phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong Nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa. Để đạt mục tiêu trên, ngoài việc huy động các nguồn lực XHH, tỉnh ta tiếp tục ưu tiên đầu tư ngân sách cho giáo dục, y tế, văn hóa để đáp ứng nhu cầu về nâng cao chất lượng dạy và học, khám chữa bệnh, đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý nhà nước đối với công tác XHH. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, nâng cao nhận thức của các thành phần xã hội về công tác XHH; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho XHH; quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh và các địa phương để kêu gọi đầu tư XHH có hiệu quả.