Đồng chí Trịnh Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch HPN tỉnh, cho biết: Toàn Hội hiện có 73.422 hội viên, đa số đều trong độ tuổi lao động, do vậy nhu cầu vay vốn để sản xuất là rất lớn. Để giúp chị em có vốn làm ăn, HPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với NHCSXH các huyện, thành phố thành lập các Tổ vay vốn; đồng thời, rà soát, phân loại danh sách những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để thực hiện việc giải ngân vốn đúng đối tượng. Nhờ thực hiện tốt công tác phối hợp, đến nay, toàn Hội đã thành lập được 846 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã phối hợp với NHCSXH giúp cho 9.191 lượt hộ được vay, với tổng số tiền giải ngân 168 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến nay lên 775 tỷ đồng/37.720 hộ. Nhìn chung, việc vay vốn của các hội viên đảm bảo an toàn, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn của các tổ, nhóm vay vốn chỉ còn 4,3 tỷ đồng, chiếm 0,55%, thấp hơn rất nhiều so với các tổ chức nhận ủy thác khác.
Chị Charao Thị Lớn (thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải, Thuận Bắc) nhờ vay vốn NHCSXH nuôi bò đã vươn lên thoát được nghèo.
Không chỉ giúp chị em có nguồn vốn vay, các cấp Hội còn đôn đốc, nhắc nhở các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích; chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, giúp chị em mạnh dạn đầu tư đồng vốn có hiệu quả. Theo số liệu thống kê của HPN tỉnh, chỉ tính trong giai đoạn 2011-2016, có trên 20.000 hộ phụ nữ nghèo (trong đó, có 9.805 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ) được HPN các cấp giúp đỡ bằng nhiều hình thức, như: Hỗ trợ vay vốn, cung cấp kiến thức làm ăn, giới thiệu học nghề, giải quyết việc làm... Một số địa phương, các cấp Hội đã triển khai được nhiều mô hình mới giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo có hiệu quả, như: Mô hình phụ nữ chăn nuôi bò sinh sản; mô hình may giỏ xách; mô hình thủ công mỹ nghệ... đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn chị em. Trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình nuôi bò có “bảo hành” tại 3 xã Công Hải, Lợi Hải và Bắc Sơn (Thuận Bắc). Mô hình này được HPN tỉnh triển khai vào cuối năm 2011, mỗi hộ tham gia được vay 1 con bò cái trị giá 10 triệu đồng và được “bảo hành” trong vòng 2 năm, đảm bảo phát triển tốt cho đến lúc sinh sản. Qua hơn 4 năm triển khai, từ 117 con bò ban đầu, đến nay, tổng số bò đã tăng lên 156 con. Riêng tại xã Bắc Sơn có 45 hộ tham gia, đến nay 100% số hộ đã hoàn trả xong vốn, trong đó có hơn 50% số hộ tham gia mô hình đã thoát được nghèo.
Đồng chí Trịnh Thị Thanh Thủy chia sẻ thêm: Chương trình nhận vốn vay ủy thác với NHCSXH qua kênh HPN đã giúp rất nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, sửa chữa được nhà ở, nuôi con ăn học đàng hoàng. Chỉ tính trong 5 năm qua đã có trên 4.000 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được thoát nghèo. Không những vậy, thông qua việc thành lập các Tổ tiết kiệm vay vốn còn tạo điều kiện để các chị gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Từ đó, chị em ngày càng tin tưởng và xem tổ chức Hội là chỗ dựa vững chắc, nhờ vậy việc triển khai thực hiện các nội dung, chương trình của Hội luôn được thuận lợi. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, HPN tỉnh tiếp tục phối hợp NHCSXH tỉnh thực hiện tốt công tác giải ngân; thường xuyên cập nhật thông tin, chỉ đạo Tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp thực hiện tốt hoạt động ủy thác; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên cách làm ăn, nhân rộng các mô hình hiệu quả, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày thêm giàu đẹp.
Văn Thanh