(NTO) Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Mục tiêu chung của chính sách BHYT toàn dân được xác định rõ tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ, đó là mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
Người dân phường Đài Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm) khám bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở.
Ảnh: Văn Miên
Đối với tỉnh ta, những năm qua thực hiện mục tiêu nói trên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện chính sách BHYT ngày càng được nâng lên. Việc mở rộng các nhóm đối tượng cơ bản đã được thực hiện theo đúng lộ trình. Mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) BHYT được mở rộng, chất lượng KCB và sự hài lòng của người dân từng bước được chú trọng… Chỉ tính qua 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã cấp trên 161.200 thẻ BHYT, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gần 69.730 thẻ, hộ nghèo trên 41.480 thẻ, hộ cận nghèo 43.083 thẻ và hộ ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn trên 6.910 thẻ, nâng tổng số thẻ đã cấp lên trên 452.500 thẻ, đạt tỷ lệ bao phủ 74,87%, tăng 1,53% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao là nhóm lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp, đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc được tổ chức BHXH đóng… Ngược lại, nhóm đối tượng như hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình… trong tỉnh hiện tỷ lệ bao phủ BHYT còn thấp nên chưa đạt mục tiêu BHYT toàn dân như mong muốn…
Để thực hiện đạt mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch năm nay và phấn đấu đạt ít nhất 80% vào năm 2020, vấn đề đặt ra là trong thời gian tới rất cần sự chung tay, nỗ lực của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức và cả cộng đồng. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nhận thức rõ trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHYT, về tính chia sẻ cộng đồng của chính sách này; UBND các huyện, thành phố cần xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời chỉ đạo quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp để giảm tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT… Ngành Y tế cần triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT để tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẻ BHYT đến KCB, cải tiến quy trình thanh toán chi phí KCB BHYT, quản lý và kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh; các tổ chức hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia BHYT và thực hiện tốt chính sách BHYT của nhà nước…
Suy cho cùng, để “Chung tay thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân” như chủ đề truyền thông nhân kỷ niệm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm nay (1-7-2016), trách nhiệm không riêng ngành Bảo hiểm xã hội mà rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với những giải pháp cụ thể, hiệu quả.
T.D