Tưởng hỏi chuyện cho biết, ai dè hắn xoáy: Làm cơ quan nhà nước mà nói như ông sao nghe thủng tai được? Rồi tiếp: Tôi hỏi là vì đứa con gái đầu mới làm việc cơ quan được hai năm nay, tính nghỉ chuyển kinh doanh online mỹ phẩm hàng hiệu. Ông thấy đấy, áp lực công việc cơ quan căng quá, mà lương thì chỉ đủ tiền xăng xe máy, ăn sáng, còn đâu để tái sản xuất sức lao động, nói chi đến tích lũy cho cuộc sống mai sau. Thì ra vậy, tôi nói như trấn an: Ông không thấy tỷ lệ thi tuyển công chức ước khoảng một chọi gần một trăm, đủ thấy độ khó để được làm việc trong cơ quan nhà nước, nay lại tính cho con ra ngoài làm việc, chắc vợ chồng ông có vấn đề!? Nghe rồi, anh thủng thẳng: Vẫn biết, làm cơ quan mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, lương không cao nhưng ổn định, đó là lúc trước, giờ lớp trẻ nghĩ khác rồi, chúng muốn thể hiện khát vọng bản thân. Có những đứa, cha mẹ chức vụ trọng vọng ông này, bà nọ trong các cơ quan nhưng bản thân chúng thì tự thân lập nghiệp và thành đạt có kém ai. Nghe anh nói chuyện, tôi chợt nghĩ, nếu ai cũng có tư duy như vậy thì câu chuyện tinh giản biên chế trong bộ máy cơ quan nhà nước trở nên quá dễ, đâu cần đề án, giải pháp làm gì tốn công, sức, tiền của.
Nghe chuyện con gái anh, tôi chợt nhớ đến ở cơ quan mình. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đến năm 2020 với chỉ tiêu giảm 10% số biên chế hiện có, cơ quan xây dựng Đề án sắp xếp vị trí việc làm, đưa ra thảo luận công khai khá nhiều lần và triển khai thực hiện. Nhưng đã gần hai năm qua vẫn không chốt được giảm vị trí việc làm nào và việc tinh giản biên chế có lẽ trông chờ vào mấy vị lớn tuổi vài ba năm nữa nghỉ hưu. Đã vậy, năm đầu thực hiện đánh giá phân loại công chức, viên chức theo chủ trương mới của cấp trên, cô trưởng phòng lâu nay liên tục đạt danh hiệu tiên tiến, nay xếp loại hạn chế về năng lực bởi tập thể do cô lãnh đạo mức độ hoàn thành nhiệm vụ chỉ trung bình khá. Thế rồi với năng lực phản ứng nhanh, cô phản ánh lên sếp cấp trên rằng việc gì quan trọng của phòng, cô cũng đảm nhiệm hết… và yêu cầu xem xét lại việc xếp loại. Điều khá thú vị là ai cũng biết, cô trưởng phòng chỉ giỏi việc đối ngoại trong những lần cơ quan tiếp khách, về chuyên môn cô mỗi việc ký trình đề nghị, có chăng thì đôi lúc giúp chuyên viên sửa lỗi chính tả văn bản trình. Cấp trên yêu cầu rà soát lại mới thấy lỗ hổng một năm tổ chức đánh giá một lần vào dịp kết thúc năm công tác nên không đủ cơ sở đánh giá chính xác chất lượng từng cá nhân. Đem chuyện trên trao đổi với anh bạn đồng nghiệp cơ quan khác chuyện tinh giản, hắn bảo: Ông thấy đấy, có vị lãnh đạo đã tuyên bố có đến 30% công chức “cắp ô” nhưng những năm qua, số tinh giản chỉ là đối tượng hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chính sách thôi việc. “Thế còn việc đánh giá phân loại để tinh giản theo chủ trương mới thì sao?”-tôi hỏi. Dễ ợt, đoàn kết dựa vào nhau mà sống, tụi nhỏ giờ kinh tế thị trường giỏi lắm. Này nhé, đứa năng lực chuyên môn giỏi hỗ trợ đứa yếu, ngược lại đứa yếu chia đứa giỏi 50% tiền lương theo công việc hoặc viện trợ không hoàn lại, cuối năm ai cũng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thì ra là vậy, trong cái khó ló cái khôn nên 100% công chức, viên chức đạt lao động tiên tiến không có gì lạ, ai đó có chăng không đạt là do bị kiểm điểm, vi phạm kế hoạch hóa gia đình. Thế nên, cả “nhà” đều tốt thì tinh giản ai bây giờ, đó là việc bất khả thi. Câu chuyện trên cho thấy trong thực tế, việc tinh giản con người trong bộ máy nhà nước không hề dễ bởi liên quan đến việc làm, đời sống của mỗi công chức, viên chức và cả gia đình họ, đòi hỏi chính quyền các cấp có giải pháp tổng thể xây dựng bộ máy tinh giản bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Thanh Tâm