Văn hóa làng bây giờ

(NTO) Để trốn cái nắng nóng mùa hè, xế chiều cuối tuần, tôi thường rong xe về thăm quê. Trong thời buổi cuộc sống với nhịp độ công nghiệp này, hai tiếng làng quê nghe sao mà thân thương chi lạ! Làng tôi chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số, nhưng thực sự đó là vùng dân cư còn mang đậm nét quê chân chất, mặc dù cái tên thôn, tên làng đáng yêu xa xưa đã được thay bằng khu phố, tổ dân phố và được đánh số từ rất lâu rồi. Đường vào làng hai bên vẫn là ruộng lúa, vườn nho, vẫn là những con mương nhỏ bao quanh những ngôi nhà mái ngói âm dương trong một không gian thoáng đãng cây xanh “chuối sau, cau trước”, sum sê hoa trái quanh năm với mùa nào thức ấy. Chỉ mới cho xe vào triền đê đầu làng mà đã thấy mát rượi bốn bề!

 
Ảnh minh họa.

Tôi vốn hay đùa với các bạn cùng trang lứa: tôi “cốt” nông dân, chúng mình cũng từ “gốc rạ” mà ra. Có ai dám khẳng định mình là dân “phố thị” không có gốc gác từ một làng quê thân thương nào đó chăng (!?). Và như vậy thì bất cứ ai trong chúng ta, người nào cũng có và phải có một miền quê để thương, để nhớ. Thật bất hạnh cho ai đó không có được một làng quê trong hoài niệm tuổi thơ. Mỗi dịp hè, Tết, giỗ chạp, hội đình, hội làng, ai ai cũng phải sắp xếp công việc của mình để mà “tót” về quê. Phải chăng giờ đây chỉ là hoài niệm về một miền quê trong ký ức, khi mà đời sống vật chất được đẩy lên đỉnh cao ở thời hiện đại, mà ai đó trong cái nhìn thiển cận ăn xổi ở thì, thì làng quê chỉ còn là hoài niệm mà thôi. Xóm làng bây giờ với đám trẻ trâu tóc nhuộm nửa nâu, nửa tím, râu mép vệt đen, phóng xe ầm ầm, trêu chọc người già, trẻ con đầy khả ố. Các cháu gái tuổi 14, 15, chân còn dính phèn lại bắt chước người mẫu, ca sĩ lượn lờ thời trang khoe ba vòng trong một cơ thể èo uột chưa kịp lớn. Cây đa, bến nước, sân đình ngày càng mai một, người ta tranh thủ từng mét đất trống để mở hàng quán, tiệm ka-ra-ô-kê… Cái không gian yên ắng, trong lành cố hữu từ ngàn xưa của một vùng quê đã bị “người ta” đánh cắp từ lúc nào không biết!

Đành rằng với xu thế kinh tế phát triển sẽ là động lực phát triển đời sống văn hóa, xã hội, nhưng người ta quên mất rằng, dù kinh tế có cải thiện, suy nghĩ người dân chưa mấy đổi thay, thị hiếu thẩm mỹ đi liền với phong tục tập quán của một nửa dân số sống ở làng quê sẽ ngỡ ngàng như thế nào khi được thường xuyên “tiếp sóng” với thứ văn hóa “xanh, đỏ lượn lờ”, với những giọng ka-ra-ô-kê mùi mẫn, đặc sệt rượu bia sẽ “phát huy tác dụng” như thế nào, bởi khi “hứng lên” họ có thể mở hết công suất loa mà không cần biết rằng hàng xóm có người già đang hấp hối hoặc trẻ sơ sinh đang cần lắm một giấc ngủ trưa!

Lâu nay, có thể vì mải lo nhiều việc lớn nên làm ta quên mất rằng, những nền tảng của văn hóa truyền thống ở các làng quê nếu không khéo trân trọng, bảo tồn sẽ biến dạng và bị phá vỡ. Phải làm thế nào để chúng ta gìn giữ bản sắc văn hóa, chăm chút mối quan hệ xóm làng có được trong truyền thống tốt đẹp lâu đời của văn hóa làng xã quê nhà, để không bị mất đi những vẻ đẹp và tính nhân văn của nó, bảo đảm cho hơi thở của làng quê luôn trong lành và ấm áp, nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của mỗi người chúng ta!