Buổi đầu lập nghiệp từ 5 sào đất trồng lúa, ngoài thời gian làm ruộng, anh còn nhận lái máy cày thuê để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, anh được học hỏi kinh nghiệm trồng trọt của các hộ sản xuất giỏi, các mô hình hay để áp dụng vào sản xuất. Anh dành thời gian tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do xã tổ chức. Với phương châm “lấy công làm lời”, anh tập trung phát triển kinh tế theo hướng đa dạng, “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, anh mở rộng diện tích canh tác lên 7 ha ruộng chủ động nước tưới, sản xuất 3 vụ/năm theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, năng suất đạt 70-80 tạ/ha. Ngoài ra, anh còn thuê trên 3 ha đất rẫy để trồng dưa hấu, mỗi vụ cho sản lượng khoảng 90 tấn, thu nhập gần 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Thuận cho biết: Được học hỏi các mô hình hiệu quả, tham gia các lớp tập huấn, giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong trồng trọt… Hơn nữa, phải biết cập nhật thông tin về giá cả, đầu ra của sản phẩm và biết áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao.
Anh Nguyễn Thuận làm đất chuẩn bị xuống giống lúa vụ hè - thu.
Năm 2010, nhận thấy khi đến mùa cày ải, tại địa phương nhu cầu dùng máy cày, máy xới đất rất cao, từ nguồn vốn tích lũy, anh mua 2 chiếc máy cày, 1 chiếc máy xới đất, với tổng số tiền gần 400 triệu đồng phục vụ canh tác gia đình và làm dịch vụ cho bà con trong thôn. Chỉ sau 3 năm làm dịch vụ, anh có nguồn vốn mở đại lý phân bón và tạp hóa buôn bán. Với cơ ngơi hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh Thuận thu nhập trên 500 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động tại địa phương, thu nhập 3 triệu/người/tháng.
Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, anh luôn quan tâm công tác tuyên truyền đến toàn thể hội viên về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệt tình giúp đỡ các hộ nông dân nghèo vươn lên trong sản xuất, bằng những việc làm thiết thực như: hỗ trợ kỹ thuật, cho vay vốn, lúa giống, phân bón… không lấy lãi. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ khó khăn tiếp cận nguồn vốn như hộ ông Cao Xuân Phú, Trần Thị Hồng, Lê Hữu Trung... mỗi hộ được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo, được sự hướng dẫn tận tình của anh về kỹ thuật chăn nuôi, đến cuối năm 2012 cả ba hộ đều đã vươn lên thoát nghèo.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Sơn cho biết: Anh Nguyễn Thuận không những là nông dân làm kinh tế giỏi mà còn là Chi hội trưởng nhiệt tình trong công tác. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, anh đã vận động mọi người tham gia ngày công, đóng góp tu sửa đường giao thông nội đồng, bê-tông sân trường, nạo vét kênh mương nội đồng... Anh còn đi đầu trong áp dụng các mô hình sản xuất hiệu quả và hướng dẫn lại cho hội viên làm theo như: mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa… nhờ đó đời sống nhiều hộ nông dân trong thôn từng bước nâng lên rõ rệt.
Với tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất, năm 2013, anh Nguyễn Thuận được công nhận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; năm 2014, được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình liên tịch Ngân hàng Nông nghiệp- PTNT và Hội Nông dân tỉnh giai đoạn 2012-1014.
Kim Thùy