Vấn đề hôm nay:

Phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

(NTO) Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trong đó người dân nông thôn là chủ thể thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đồng thời thụ hưởng từ những kết quả Chương trình đem lại.

Do vậy, có thể nói Quy chế dân chủ cơ sở được thường xuyên chú trọng thực hiện trong những năm qua và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là huy động nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM. Công tác quy hoạch NTM, xây dựng đề án phát triển NTM, lựa chọn các công trình và hình thức tổ chức xây dựng… đều được các địa phương tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tạo được sự đồng thuận cao.

Xã Phương Hải (Ninh Hải) huy động các nguồn lực đầu tư bê tông giao thông nội đồng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại,
vận chuyển nông sản, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc

Những năm qua, cùng với các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu triển khai tại tỉnh, vốn trực tiếp của Chương trình MTQG về xây dựng NTM, vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp... các địa phương còn tích cực vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở phát huy dân chủ để người dân bàn bạc, tự nguyện đóng góp, tham gia như hiến đất làm đường giao thông, đóng góp tài lực, vật lực, công sức…cho các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh tại địa phương. Đặc biệt, với tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã nhận được sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM bằng việc cụ thể hóa chương trình hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương: MTTQVN các cấp với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM; Hội Cựu chiến binh vận động hội viên tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đoàn Thanh niên với phong trào thanh niên tình nguyện giúp người dân ở những vùng khó khăn...nhờ đó góp phần quan trọng nâng cao các tiêu chí NTM. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là một số địa phương chưa thực hiện tốt việc “dân biết, dân bàn…” trong xây dựng một số công trình, tạo nên hệ quả là không những không huy động được đóng góp của người dân mà còn dẫn đến thắc mắc không đáng có…

Để tiếp tục phát huy Quy chế dân chủ trong xây dựng NTM có hiệu quả, vấn đề đặt ra là cần  tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Chủ động thực hiện có hiệu quả việc huy động nguồn lực, đa dạng các hình thức huy động nhưng tuyệt đối không gò ép người dân. Mặt khác, cần rà soát lại quy hoạch, đề án xây dựng NTM để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Ngoài ra, tăng cường vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc giám sát các công trình, hạng mục trong xây dựng NTM, chú trọng công tác lấy ý kiến của người dân đối với tất cả các công trình tại địa phương. Tăng cường công tác giám sát việc thu, chi, quản lý, sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực do nNân dân đóng góp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ khả năng tạo hấp lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, đào tạo nhân lực, khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn…

Tin rằng, với những nỗ lực và quyết tâm cao để “chung sức xây dựng NTM”, mục tiêu trong năm 2016 này tỉnh ta sẽ đạt kết quả như mong muốn.