Ông Võ Đình Hòa chăm sóc đàn dê của gia đình.
Thôn Đá Ba Cái hiện có 120 hộ dân, với 493 nhân khẩu. Toàn thôn có 180 ha đất canh tác nông nghiệp nhưng chủ yếu là đất rẫy. Từ thực tế của địa phương và dựa trên định hướng các chuỗi giá trị phát triển của Dự án HTTN tỉnh, năm 2015, Ban Phát triển xã đã khảo sát và thành lập 1 nhóm sở thích nuôi dê sinh sản ở thôn Đá Ba Cái, với 10 thành viên tham gia, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Tháng 12-2015, nhóm đã được DASU huyện Bác Ái hỗ trợ 32 con dê giống; trong đó, có 30 con dê cái, 2 con dê đực, với tổng kinh phí 105 triệu đồng. Để mô hình thực hiện có hiệu quả, trong quá trình triển khai, các thành viên của nhóm được tập huấn kỹ thuật về nuôi dê sinh sản, kỹ thuật trồng cỏ, cách phòng trị một số bệnh trên đàn dê… Ngoài ra, nhóm đã xây dựng quy chế cụ thể để các hộ nuôi thực hiện đúng cam kết của dự án đã đề ra. Hàng tháng nhóm đều họp trao đổi kinh nghiệm, báo cáo tình hình với trưởng nhóm để đưa ra phương pháp chăm sóc đàn dê tốt hơn. Nhờ đó, qua 6 tháng thả nuôi, đàn dê giống của nhóm đều phát triển tốt. Hiện nay, 30 con dê giống ban đầu của nhóm đã đẻ được 25 dê con. Ông Võ Đình Hòa, Trưởng nhóm nuôi dê, cho biết: Giống dê bách thảo này rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương, nên từ khi các hộ nhận dê về nuôi không có trường hợp dê bị mắc bệnh, hay sinh non. Hiện DASU huyện đang xem xét để thành lập thêm nhóm sở thích nuôi dê thứ 2 tại thôn. Nhóm cũng đã vận động các thành viên thành lập “Quỹ tiết kiệm nuôi dê” mỗi tháng 20.000 đồng để hỗ trợ các thành viên trong nhóm khi gặp khó khăn trong chăn nuôi.
Đến thăm đàn dê giống của gia đình anh Pi-năng Cung, thành viên của nhóm mặc dù đang trong mùa nắng hạn nhưng đàn dê vẫn phát triển và đã sinh sản. Anh Cung phấn khởi nói: Sau khi nhận dê về nuôi, gia đình chăm sóc rất cẩn thận, ngoài chăn thả, hàng ngày cắt cỏ cho dê ăn thêm, nên chỉ 3 tháng thì dê giống đã sinh sản được 3 dê con. Hiện nay, dê đang cấn chửa lứa thứ 2. Đây sẽ là nguồn vốn giúp gia đình thoát nghèo bền vững. Cùng chung niềm vui đó, anh Katơr Khoanh, cho biết: Sau khi Dự án HTTN hỗ trợ dê giống, gia đình thường xuyên được cán bộ, các thành viên nhóm hướng dẫn cách chăm sóc đúng kỹ thuật, nên đàn dê của gia đình phát triển tốt, hiện đã có 2 con đẻ rồi.
Ông Chamaléa Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết: Mô hình nuôi dê sinh sản ở thôn Đá Ba Cái tuy mới triển khai nhưng đã cho thấy hiệu quả đáng mừng. Qua 2 đợt đánh giá của Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh, thì mô hình nuôi dê sinh sản phát triển khá tốt, có thể nhân rộng nhóm sở thích nuôi dê ra các thôn khác. Đây là tín hiệu vui nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương được liên kết, hợp tác với nhau trong phát triển chăn nuôi, cũng như phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiến Mạnh