Ngược lên xã Phước Kháng, vùng tâm hạn của huyện Thuận Bắc, tận mắt nhìn thấy màu xanh ở vùng chuyển đổi cây trồng quanh hồ Bà Râu mới biết sản xuất nông nghiệp vẫn có điều kiện phát triển. Cuộc sống của đồng bào Raglai nơi đây gắn liền với nương rẫy, rừng núi, thế nhưng, do nắng hạn làm mạch nước ở các suối cạn dần, liên tiếp 3 vụ liền không sản xuất được khiến bà con phải “xuống núi”. Hàng ngàn con gia súc được các hộ di chuyển về lòng hồ Bà Râu để tìm thức ăn, nước uống. Và nơi thung lũng bình lặng lâu nay giờ trở nên nhộn nhịp. Anh Chamaléa Thống, một trong hàng chục hộ dân đóng trại chăn nuôi tại đây, chia sẽ: Mùa nắng hạn bà con nghĩ đủ cách để duy trì sản xuất nhằm ổn định cuộc sống chứ. Toàn bộ khu vực lòng chảo hồ Bà Râu rộng chừng 100 ha được các hộ tận dụng triệt để trồng đậu xanh, bắp, cỏ chăn nuôi gia súc. Nước hồ rút đến đâu, màu xanh của cây trồng lan rộng đến đó.
Nhờ trồng cỏ phục vụ các hộ chăn nuôi, gia đình anh Dương Quốc Toàn (xã Phước Hậu, Ninh Phước)
có thêm thu nhập trong mùa hạn hán.
Không riêng gì Phước Kháng, một số hộ dân ở xã Phước Đại, Phước Thành… (Bác Ái) cũng đã cất nhà tạm ở lòng hồ sông Sắt để thuận tiện cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa nắng hạn. Anh Cao Thanh Phước, người địa phương, cho biết: Nắng hạn hoành hành nhưng tôi vẫn không nản chí, tìm mọi cách cứu đàn gia súc, tận dụng các khoảng đất gần nguồn nước trồng bắp, đậu, tạo thêm thu nhập. Tiếp nhận thông báo của cơ quan chức năng về tình hình nắng hạn còn kéo dài, nên tôi đã dựng chuồng bò ở bờ phía đông hồ Sông Sắt, di chuyển đàn bò 15 con trên rẫy xuống. Tại vùng “dã chiến”, anh Phước tổ chức sản xuất hợp lý, trồng xen kẽ các loại cây thích ứng với thời tiết khô hạn. Ngoài trồng cỏ chăn nuôi, anh còn sản xuất 2 sào bắp, đậu xanh. Đến nay, đậu đã hái xong, bắp bắt đầu thu hoạch, năng suất ước đạt 5 tạ/sào. Anh cho biết thêm: Tận dụng các khoảng đất quanh sông, suối, hồ, đập sản xuất là giải pháp tạo nguồn thu nhập trong mùa hạn của nhiều nông hộ vùng cao để đảm bảo cuộc sống không bị xáo trộn.
Trong mùa hạn hán, nông dân trong tỉnh mưu sinh bằng nhiều cách, từ đó xuất hiện thêm nhiều nghề. Trước đây, có nghề “lái rơm”, nay xuất hiện thêm nghề trồng cỏ bán cho các hộ chăn nuôi đang “ăn nên làm ra”. Anh Dương Quốc Toàn (ở xã Phước Hậu, Ninh Phước), cho biết, vụ hè - thu năm 2015, anh chuyển 1 sào đất lúa sang trồng cỏ bổ sung thức ăn cho 5 con bò, không nghĩ đến chuyện mua bán. Tuy nhiên, sau đó nhiều người hỏi mua, nên anh mở rộng quy mô sản xuất lên 2 sào. Trồng cỏ ít đầu tư, nhanh thu hoạch, cứ 10 ngày cắt bán 1 lần, tính ra mỗi tháng thu nhập từ 2 sào cỏ được 4 triệu đồng. Nhu cầu thức ăn cho gia súc trong mùa hạn hán là rất lớn. Mặc dù tỉnh đã vận động hộ chăn nuôi tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, quy hoạch vùng trồng cỏ, với tổng diện tích 300 ha nhưng vẫn không đáp ứng đủ, do đó nghề trồng cỏ lại có “đất sống”. Hiện nay ở nông thôn, không ít hộ chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ theo hướng sản xuất hàng hóa, coi đó là kế sinh nhai trong mùa nắng hạn. Nghề trồng cỏ chăn nuôi phát triển mạnh nhất là ở huyện Ninh Phước và Ninh Hải. Tại đây, các hộ quy hoạch vùng trồng cỏ bài bản, sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm giảm được nhiều chi phí, năng suất đạt cao. Nhận thấy triển vọng của nghề trồng cỏ, đã có doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Huyện có chủ trương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc tươi ở đất dự phòng khu vực hồ Bàu Zôn rộng 100 ha. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy nghề trồng cỏ phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Anh Tùng