Nhớ lời Bác Hồ dạy trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I

(NTO) Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi. Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã đề nghị “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân gái trai mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.

Ngày 8-9-1945, Người ký Sắc lệnh số 14 quy định sẽ mở rộng cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23-12-1945, nhưng để công việc chuẩn bị được chu đáo hơn, Hội đồng Chính phủ quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật 6-1-1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư liệu

Ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử.

Ngày 31-12-1945, báo Cứu quốc, số 130, có đăng trang trọng bài “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài báo viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.

Trong Tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó...”.

Sáng ngày 5-1-1946, báo Cứu quốc, số 134, đã đăng “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng để thay mặt cho mình gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn luôn ghi nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng...”.

Chiều ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Việt Nam học xá (nay là Trường Đại học Bách khoa) dự Lễ ra mắt các ứng cử viên trước toàn thể nhân dân Hà Nội. Người đến sớm trước một giờ, thăm nơi ở và học tập của học sinh và có cuộc tiếp xúc không chính thức với quần chúng.

Mười lăm giờ, buổi lễ ra mắt mới bắt đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt các ứng cử viên phát biểu ý kiến: “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây ta vừa tranh được độc lập... Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc về cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuột... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay”.

Tiếp đó, Người quay sang phía ứng cử viên, nhắn nhủ: “Làm việc bây giờ là hy sinh phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung”. Người thân mật căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”.

Ngày 6-1-1946, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên - Quốc hội lập hiến của nước Việt Nam diễn ra trong cả nước, kể cả trong các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên... Hàng triệu cử tri của nước ta ghi lòng tạc dạ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hồ hởi, phấn khởi làm tốt nhiệm vụ công dân của mình để lựa chọn những người đại diện thật xứng đáng trong cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Quốc hội khóa I do cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu ra, đã hội tụ các đại biểu của ba miền Trung Nam Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước.

+ Ngày 22-5-2016 này, cả nước tưng bừng trong Ngày hội lớn, ngày toàn thể cử tri với ý thức làm chủ, nêu cao tinh thần yêu nước hăng hái đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I và phát huy quyền dân chủ của mỗi cử tri, chúng ta sẽ lựa chọn những đại biểu có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; bảo đảm tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Chúng ta nhất định không bầu những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, nói không đi đôi với làm và làm kém hiệu quả; người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng...

Khi tiến hành bầu cử, phải chú ý cả hai mặt tiêu chuẩn và cơ cấu, nhưng tiêu chuẩn là quyết định, cơ cấu là rất quan trọng. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu là đòi hỏi hết sức quan trọng góp phần bảo đảm cuộc bầu cử đạt kết quả cao nhất.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Mỗi cử tri hãy tự giác và chủ động tham gia bầu cử, lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.